Bất cập trong phòng cháy chữa cháy tàu cá

Thứ Hai, 11/06/2018, 08:48
Thời gian qua, tàu cá liên tiếp nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân được cơ quan chức năng kết luận phần lớn đều là do sự cố chập điện; tuy nhiên công tác PCCC trên các tàu, thuyền đánh cá của ngư dân còn quá nhiều bất cập, hạn chế...

Ngày 7-6, chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi thăm hai ngư dân  bị bỏng trong vụ cháy tàu cá QNg 97417TS xảy ra trên vùng biển Sa Kỳ vào sáng 30-5-2018 nhưng thuyền trưởng Đỗ Văn Đông, người điều khiển tàu cá gặp tai nạn đã xuất viện; chỉ còn ngư dân Trần Nhật Nam (trú xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), đang điều trị do vết bỏng quá nặng.

Nằm trên giường bệnh, anh Nam như không cầm được nước mắt khi nhắc lại sự cố bất ngờ khiến con tàu cá vừa mới đóng được có 2 năm bị lửa thiêu rụi.

Tàu cá QNg 97417TS bị cháy ở vùng biển Sa Kỳ.

Theo lời kể của anh Nam, sáng hôm đó anh và ông Đông đi tàu ra biển đánh bắt hải sản như thường lệ. Nhưng khi ông Đông lái tàu cá ra cách cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khoảng 14 hải lý thì bất ngờ đuôi tàu bốc cháy. Phát hiện sự việc, ông Đông liền gọi anh tìm cách dập lửa. Nhưng do gió mạnh, ngọn lửa bốc cao đã táp vào người họ làm cả hai bị bỏng. Họ liền nhảy xuống biển để mong sống sót.

Lúc này, tàu cá QNg 92418TS do ngư dân Trần Văn Lệnh (trú TP Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đang đánh bắt cá gần đó đã nhanh chóng đến ứng cứu, song lửa cháy quá lớn nên chỉ kịp cứu người, còn tàu cá QNg 97417TS, cùng ngư lưới cụ trên tàu đã bị lửa thiêu rụi, thiệt hại gần 6 tỷ đồng.

“Nhà cửa, tài sản đã đổ hết vào đó, giờ cháy tàu thì coi như không còn gì nữa. Gia đình tôi sống nhờ biển, bám biển, tôi lại là lao động chính mà giờ thế này thì biết phải làm sao”, anh Nam buồn bã nói…

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 6 vụ cháy tàu cá, thiêu rụi 13 phương tiện, gây thiệt hại cho ngư dân khoảng 23,7 tỷ đồng; tỉnh Quảng Nam xảy ra 2 vụ làm 2 tàu cá bị cháy, thiệt hại 26 tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Nam, mới đây, vào sáng sớm 27-5-2018, tàu cá mang số hiệu NA 99389TS của ông Vũ Đức Thướng (quê Hoàng Mai, Nghệ An) hành nghề chụp mực vào cập cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) để bốc đá ướp chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tiếp theo thì khoang máy bốc khói, có dấu hiệu cháy. Khoảng 30 phút sau, ngọn lửa lan nhanh toàn bộ con tàu và bốc cháy dữ dội.

Cơ quan Công an hướng dẫn, tuyên truyền PCCC cho ngư dân.

Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Quảng Nam đã điều động 5 xe cứu hỏa, cùng các lực lượng khác như: Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Công an, dân quân tự vệ địa phương tập trung chữa cháy. Song do trên tàu cá thân gỗ này có hơn 10m3 dầu, nên ngọc lửa bốc cao, đến 8h30 phút cùng ngày, vụ cháy mới được khống chế, con tàu NA 99389TS đã bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại 18 tỷ đồng…

Thực tế một số tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, chúng tôi nhận thấy có một tồn tại chung là các tàu đều bố trí hệ thống dây điện rất chằng chịt. Dọc theo boong tàu, thân tàu... các dây điện được dẫn và ghim vào ván; nhiều đoạn, các đầu dây điện được bắt chồng lên nhau. Dây điện được cắt nối theo cách rất thủ công, thậm chí có dây bị hở đầu nối.

Trong khi, tàu cá mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, nhất là tàu xa bờ, đều mua nhiên liệu với số lượng lớn, chứa trong các can nhựa, thùng phuy... để trong khoang. Trên tàu còn sử dụng bình gas phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

Ngoài ra, các tàu đánh bắt xa bờ được trang bị đầy đủ các loại máy móc, thiết bị hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy bơm nước... sử dụng điện 220V, nhưng nhiều chủ tàu lơ là, chủ quan ít khi kiểm tra an toàn. Nhiều loại thiết bị tiếp xúc với hơi nước mặn lâu ngày bị hư hỏng rất dễ dẫn đến chập điện, gây cháy nổ…

Đáng quan tâm, đa số tàu cá của ngư dân thường không có phương tiện PCCC phù hợp để có thể dập tắt ngay đám cháy khi mới bùng phát; hoặc nếu có trang bị thiết bị PCCC cũng rất sơ sài. Ngay cả bơm cứu hỏa, vòi cứu hỏa, đường ống dẫn nước dùng cho cứu hỏa cũng chưa được ngư dân trang bị.

Trong khi đó các thiết bị phát hiện và cảnh báo đám cháy bằng cảm biến, hay chuông báo cháy đều chưa được ngư dân lắp đặt trên tàu của mình. Nhiều ngư dân nói rằng, tàu cá của họ không lắp hệ thống PCCC, vì thường khi xảy ra cháy thì chủ yếu dùng nước bơm trực tiếp từ dưới biển lên. Còn hệ thống dây điện xưa nay vẫn vậy. Dây điện trong hầm tàu thì thỉnh thoảng cũng bị chuột cắn phá, nhưng nối lại là xong chứ có vấn đề gì đâu(?!)...

Theo Thượng tá Võ Việt Dũng, cán bộ đơn vị Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi, đa phần tàu cá xảy ra sự cố cháy đều là những tàu đã cũ. Những tàu này thường bắt, đấu nối thêm hệ thống điện không đúng kỹ thuật nên dễ xảy ra chập điện, cháy nổ. Thêm vào đó, lượng dầu trên tàu rất nhiều, khi ra khơi ngư dân thường đem theo hàng ngàn lít dầu, đến khi cập bến vẫn còn khoảng 300- 500 lít, có nhiều tàu lên cạn vẫn để dầu, không tuân thủ quy trình nên khi xảy ra cháy nổ thường cháy rất lớn, cháy lan và khó dập tắt.

Trong khi, ngư dân thường chủ quan không canh tàu, nên cháy vào ban đêm thì phát hiện muộn dẫn đến thiệt hại rất lớn. Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi đã có riêng một cẩm nang tuyên truyền chuyên biệt về PCCC trên tàu, thuyền đánh cá để phát cho ngư dân nhưng dường như ý thức của ngư dân còn hạn chế, không chấp hành những quy định này. Khi xảy ra cháy tàu, người phát hiện thường chặt neo để thả tàu trôi ra sông, tránh cháy lây ra những tàu khác khiến cho công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận…

“Hiện nay còn nhiều bất cập trong công tác PCCC, cũng chưa có quy định nào của pháp luật về PCCC trên tàu, thuyền ngư dân nên chưa có chế tài để xử lý. Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng là đơn vị quản lý kiểm tra an toàn trên tàu cá, còn Cảnh sát PCCC chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về PCCC trên tàu cá cho ngư dân; song chủ yếu là dựa vào ý thức của ngư dân, sự vận động, tuyên truyền và các mô hình PCCC, nghiệp đoàn nghề cá”, Thượng tá Dũng nói.

Hà Vy – Linh Nguyễn
.
.
.