Bão số 1 đã đi vào Quảng Ninh – Hải Phòng

Thứ Tư, 24/06/2015, 14:31
Trưa nay 24/6, bão số 1 đã đi vào địa phận Quảng Ninh-Hải Phòng. Bão gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ (Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10). Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Tại Quảng Ninh: Đến 15h ngày 24/6, bão đã đi qua địa bàn tỉnh với sức gió giật cấp 10, tại một số nơi như Cô Tô, Vân Đồn, sức gió lên tới cấp 12.

Do chủ động với các phương án tối ưu nhất như chuẩn bị nhân lực tại chỗ, trực 100% quân số, ngư dân tránh trú tại khu vực âu tà, di chuyển 100% tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú an toàn nên đã tránh được những thiệt hại không đáng có.

Tại xã đảo Ngọc Vừng (thuộc TP Cẩm Phả), lúc 12h’, ngày 24/6, một đầu kéo và 4 sà lan neo đậu tại nơi tránh trú bão xã đảo Quan Lạn đã bị đứt neo trôi dạt sang xã đảo Ngọc Vừng. Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng đã tổ chức ứng cứu.

Biển quảng cáo bị hư hỏng sau cơn bão số 1 trên đường Tôn Đức Thắng, TP Hải Phòng. Ảnh: Văn Long.

Đến 13h30’ cùng ngày, lực lượng biên phòng đã tiếp cận đầu kéo, cứu thành công 10 thuyền viên.

>> Hàng trăm du khách kẹt tại Cô Tô 

Mọi biện pháp nhằm cố gắng giảm ít nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

Tại TP Hạ Long: từ 8h sáng, lệnh cấm xe máy qua cầu Bãi Cháy đã được thực thi, đơn vị quản lý đã bố trí nhiều xe chuyển tải nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy đã xuất hiện dịch vụ chở xe máy qua cầu với giá từ 50-70.000đ/xe.

Đến 15h: Mưa ngớt, mức độ gió giảm, bầu trời quang mây hơn. Tuy nhiên, lực lượng Công an và các lực lượng phòng chống bão khác vẫn đang tiếp tục cùng người dân phòng chống bão số 1, cố gắng giảm ít nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

Lực lượng CSGT giúp ngư dân neo đậu thuyền bè sáng 24/6.
Tại Móng Cái: hồi 15h ngày 24/6 lượng mưa ở Móng Cái đạt mức 80ml, mực nước tại trạm Bình Liêu - sông Tiên Yên đạt mức 7950cm (loại lũ xấp xỉ lũ vừa), dự báo còn tiếp tục tăng.

Đây là điều đáng lo ngại nhất đối với tỉnh bán sơn địa như Quảng Ninh vì đã từng xảy ra lũ quét, lũ ống ở miền núi, Vì vậy, kèm với việc triển khai chống bão, tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành sẵn sàng ứng phó với mưa lũ nhất là tại các địa bàn xung yếu.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo PCLB và TKCN tỉnh, tính đến 15h ngày 24/6, trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại đáng kể về tài sản, không có thiệt hại về người.

Khu vực phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình. Ảnh: VNE

Tại Thái Bình: Mưa to nhiều giờ qua đã khiến thành phố Thái Bình ngập lụt. Đoạn giao lộ giữa đường Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng ngập sâu khoảng 0,5 m khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Đoạn quốc lộ 39 chạy quay trụ sở phường Trần Lãm, nước ngập sâu đến 2/3 bánh xe máy.
Trước đó, ngay sau khi nhận thông tin về cơn bão số 1, Giám đốc Công an tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các đơn vị và Công an các huyện thành phố. Hoãn tất cả các cuộc họp, ứng trực 100% quân số từ ngày 24/6 để tập trung ứng phó với bão.

Lực lượng Công an Thái Bình phối hợp với Bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ bố trí sắp xếp cho tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và khẩn trương tiển khai các phương án bảo vệ đê điều, kè cống. (Ảnh: Quang Đảm)

Tập trung địa bàn ven biển, ven sông, nhất là ở các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương. Báo động, kiểm tra quân số, phương tiện, áo mưa, áo phao của lực lượng cơ động mạnh Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố gồm: 3 Đại đội Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, 8 trung đội cơ động và các lực lượng Cảnh sát 113, Cảnh sát PCCC và CNCH với những trang thiết bị cần thiết, thường trực sẵn sàng triển khai phương án.

Đến 14h ngày 24/6, Công an huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải phối hợp với các doanh nghiệp khai thác thuỷ, hải sản, bộ đội biên phòng thông báo, kêu gọi 1.213 phương tiện tàu thuyền với 3377 lao động hoạt động khai thác thuỷ hải sản trên biển về nơi tránh trú an toàn.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ tập trung 100% quân số tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động, đảm bảo trật tự ATGT đường bộ. Cảnh sát giao thông đường thuỷ phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra và nghiêm cấm hoạt động đối với 85 đò ngang, cấm tàu thuyền neo đậu tại các cửa sông, khu vực cầu cống, đảm bảo giao thông thông suốt khi bão, lụt xảy ra.

Huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh:VNE

Tại TP Hải Phòng, gió đã lặng, nhưng mưa lại nặng hạt. Nếu tiếp tục mưa như vậy, chỉ khoảng nửa tiếng nữa nhiều khu vực trũng có thể ngập.

Trước đó sáng ngày 24/6 tất cả các phương tiện tàu, thuyền của nhân dân và các doanh nghiệp đã được cán bộ chiến sĩ của trạm hướng dẫn đưa vào nơi tránh trú an toàn, trên 20 hộ dân thuộc khu vực mom Thủy Đội trên địa bàn trạm phụ trách có nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ vào đã được di dời đến nơi an toàn. 16 cán bộ chiến sĩ trạm CSĐT An Dương liên tục tuần tra yêu cầu các phương tiện thủy còn lưu thông trên sông vào nơi tránh trú an toàn.

Tại Hải Phòng, trong sáng nay trời mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Đến chiều gió đã ngớt nhưng mưa còn khá nặng hạt.

Tại Đồ Sơn: Đại tá Trần Tiến Quang trưởng Công an quận cho biết toàn bộ khu du lịch còn 620 du khách nội địa nghỉ lại, lực lượng công an quận đã yêu cầu di chuyển đến các nhà nghỉ, khách sạn trên cao an toàn, tổ chức phối hợp di chuyển 175 người dân ở khu vực nguy hiểm (xã Bàng La) đến nơi an toàn, 408 phương tiện tàu, thuyển với 1.473 người, 11 chòi nuôi ngao (22 lao động) đã di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

3 tổ công tác của công an Quận liên tục tuần tra bảo đảm ANTT, TTATGT, không cho các phương tiện ô tô… dừng đỗ tại các khu vực gần biển, cảnh sát khu vực phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở người dân các cơ quan ở các khu vực gần biển chằng chống nhà cửa an toàn.

Thành phố cũng tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến vận tải đường thủy nội địa, các tuyến phà sông biển từ 17h ngày 23/6. Lực lượng xung kích hộ đê, PCTT với hơn 43 nghìn người được huy động sẵn sàng.

Trong đó, lực lượng do BCH Quân sự Hải Phòng đảm nhận và hiệp đồng hơn 10 nghìn người, 46 xe ô tô, 18 tàu, xuồng cao tốc, bốn xe lội nước; lực lượng do BCH Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng 225 người, 14 tàu, 37 xuồng, 19 xe ô tô các loại.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, hồi 14h ngày 24/6, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 70km một giờ), giật cấp 10-11.

Từ sáng nay, Cầu Bãi Cháy đã cấm các phương tiện đi lại.
Bão số 1 đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 25/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, tối và đêm nay 24/6, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-11. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang và khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.


Đức Hòa - Minh Triết - Hồ Tuyên - Văn Thịnh - Đăng Hùng
.
.
.