Bao giờ hết cảnh lộn xộn trước cổng bệnh viện?

Thứ Ba, 17/09/2019, 10:11
Tình trạng buôn bán hàng hoá và các phương tiện đón khách tại trước nhiều cổng bệnh viện (BV) trên địa bàn TP HCM từ lâu làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và môi trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.


7h sáng 13-9, đến khu vực BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh (số 3 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh), chúng tôi nhận thấy đoạn đường phía trước BV (từ ngã ba Phan Đăng Lưu - Nơ Trang Long đến ngã tư Nơ Trang Long – Lê Quang Định) giao thông bị ùn ứ, các phương tiện nhích từng chút một. Lực lượng Công an và Bảo vệ dân phố đang đứng ra điều tiết giao thông nhưng mãi hơn 8h mới cơ bản thông suốt.

Khi thấy lực lượng Công an rút đi, những người bán hàng rong xuất hiện nhiều hơn bày hàng hoá ra vỉa hè và dưới lòng đường để bán. Anh Nguyễn Văn K., người chạy xe ôm ở đây cho biết: 

“Sáng nào ở đoạn đường này cũng bị kẹt xe. Hai cổng BV Ung bướu đối diện nhau, taxi và ôtô thường xuyên dừng đón khách, rồi người bán hàng rong ở lòng lề đường, hỏi sao mà không kẹt cho được. Tôi thấy chính quyền địa phương thường xuyên đi lập lại trật tự lòng lề đường nhưng cứ người làm nhiệm vụ đi khỏi thì người dân lại bày hàng hoá ra bán”.

Khung cảnh trước BV Ung bướu lúc nào cũng thấy đông đúc lộn xộn, rác thải như bọc nilon, ly nhựa, hộp xốp… tràn lan ra đường. Nơi này có cầu đi bộ nhưng ít người sử dụng, nhiều người vẫn vô tư đi lại dưới lòng đường rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Người dân bán hàng ở lòng đường trước cổng BV Bình dân 115.

Chiều 10-9, chúng tôi có mặt tại khu vực cổng số 3 của BV Hùng Vương (số 9 đường Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5), tình trạng cũng  lộn xộn không kém. 

Nhiều taxi đậu ở lòng đường phía trước cổng BV cộng với việc đón trả khách của xe ôtô dịch vụ sử dụng công nghệ liên tục dừng lại đón khách. Hết xe này đi, xe khác liền tấp vào, có lúc tới 4 xe một xếp hàng dài đợi nhau lấn ra tận giữa đường, gây ùn tắc giao thông. 

Trong khi đó, xe cứu thương của BV thường xuyên ra vào cổng nhưng bị cản bởi các phương tiện đón khách. Tiếng còi hụ và tiếng còi inh ỏi của các phương tiện giao thông làm cho việc ô nhiễm tiếng ồn ở đây rất cao.

Vỉa hè phía trước BV và dọc đường Bà Triệu ở bên hông được làm hàng rào sắt có để bảng dành cho người đi bộ, nhưng lại bị biến thành bãi giữ xe thu tiền và người dân sử dụng làm nơi buôn bán hàng hoá nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Mặc dù trên tường của BV có bảng cấm mua bán hàng rong nhưng cấm thì cấm, bán cứ bán. 

Người đàn ông bán quán hủ tiếu ở đây thỉnh thoảng quét rác và xả nước ra đường khá dơ bẩn và nhếch nhác. Ấy vậy nhưng vẫn có người ngồi ăn uống vô tư. Một người phụ nữ ăn xong tô hủ tiếu và đứng dậy đi, tôi đi theo bắt chuyện và hỏi thì người này cho biết do gần đây muốn tìm quán cũng không biết tìm ở đâu?

Chị Phạm Thị Thu Hà (nhà ở quận 10), từ trong BV đi ra, đến chỗ người thân đang đứng đợi, bức xúc nói: “Bảng đề là lối đi dành cho người đi bộ nhưng bán quán rồi giữ xe chắn hết lối đi thì người đi bộ đi lối nào? Mình bầu bì mà đi xuống lòng đường nhỡ bị xe đụng thì không biết sao à?”.

Chúng tôi đến các BV khác như: BV Đại học Y dược trên đường Hồng Bàng (phường 11, quận 5), BV Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5), BV Bệnh nhiệt đới (đường Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5), BV Chợ Rẫy (đường Nguyễn Chí Thanh và Thuận Kiều, phường 12, quận 5), BV Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1),… và nhận thấy, điểm chung nhất là tình trạng người bán hàng rong bủa vây cổng BV. Không chỉ lộn xộn trước cổng BV mà rác và nước được thải ra rất mất vệ sinh môi trường.

Một trong những điểm khá lộn xộn mà nhiều người phản ánh đó là BV Bình dân 115 (số 527 đường Sư Vạn Hạnh) và Viện tim TP Hồ Chí Minh (số 4 đường Dương Quang Trung, cùng phường 12, quận 10). Hai cơ sở này ở kế nhau, BV Bình dân 115 có một cổng trên đường Dương Quang Trung. 

Sáng 11-9, khi tôi đến khu vực này, thấy trước cổng BV Bình dân 115 có 4 điểm quán bán tạp hoá, đồ ăn, nước uống… che chắn hết chỗ đề bảng tên khá lớn của BV và lối đi bộ ở vỉa hè. Bên phía đường Dương Quang Trung, vỉa hè phía BV Bình dân 115 được sử dụng làm nơi giữ xe máy còn lòng đường một đoạn dài người dân bày bán hàng hoá, thực phẩm. Còn vỉa hè và lòng đường bên phía Viện tim cũng bị người dân chiếm bày bán đồ ăn thức uống, quần áo, giày, dép… rất lộn xộn, nhếch nhác.

Theo UBND phường 12 (quận 10), từ đầu năm 2019 đến nay địa phương đã xử phạt 87 trường hợp vi phạm sử dụng lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán và thu giữ 659 phương tiện các loại như: xe đẩy bán hàng, bảng hiệu, bàn nhựa, ghế nhựa, tủ kiếng, dù… Mặc dù bị phạt nhưng người dân vẫn tiếp tục buôn bán. 

Bà Võ Thị Bích Vân, Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận 10 cho chúng tôi xem một số clip người vi phạm “ăn vạ” và chửi thậm tệ khi bị lực lượng chức năng của phường đến thu giữ phương tiện. Trong đó, có người phụ nữ khoảng 60 tuổi bán đồ ăn ở lòng đường trước BV Bình dân 115 đã sử dụng dao cắt làm ngón tay bà chảy máu và lăn ra đường ăn vạ. Cán bộ phường phải nhanh chóng mua băng dính cá nhân để băng vết thương cho bà này. 

“Anh thấy đấy, tôi đang có bầu 8 tháng vẫn phải trực tiếp cùng cán bộ phường đến vận động người dân không kinh doanh buôn bán ở các điểm này. Nhiều người cho rằng chúng tôi không xử lý nghiêm, điều đó là không đúng. Chúng tôi đã nhiều lần vận động người dân, rồi xử lý nghiêm và dùng tất cả các biện pháp, nhưng người vi phạm vẫn cố tình vi phạm, đồng thời tìm cách đối phó, thậm chí đe dọa hại tôi cũng như cán bộ của phường”, bà Vân cho biết.

Lãnh đạo UBND phường 12 cho biết hiện đang gặp một số khó khăn đó là khi xử phạt thu giữ phương tiện vi phạm thì không có phương tiện để vận chuyển về trụ sở. Để giải quyết vấn đề này, trước đây phường đã mượn xe ôtô của một số doanh nghiệp từ địa bàn khác để chở phương tiện vi phạm về UBND phường, lập tức có đối tượng tìm đến đe dọa nên doanh nghiệp không dám cho mượn xe.

Một trong những vấn đề khó khăn nữa là nhân sự. Hiện chỉ có hai người phụ trách mảng này, trong đó 1 công chức và 1 hợp đồng, nhưng phải xử lý rất nhiều vấn đề từ quản lý trật tự đô thị đến môi trường, làm không xuể. Trong khi đó, người vi phạm sử dụng nhiều cách để đối phó, như thuê người cảnh giới ngay trước UBND phường, trước đội quản lý trật đô thị… 

“Ở đây xuất quân là ở đó biết, khi lực lượng đến nơi là không thấy ai bán buôn gì”, bà Võ Thị Bích Vân nói. Lúc đầu, ngay trong nội bộ nghi ngờ nhau về việc này, bởi có lịch công tác nhưng sau đó bà thay đổi phương án tuần tra và cho cán bộ xác minh thì phát hiện có “cảnh giới”. 

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên tuyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm sử dụng lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán”, bà Vân cho biết.

Việc lập lại trật tự khu vực trước cổng các BV, ngoài việc nỗ lực tuyên truyền, vận động và xử lý của chính quyền địa phương, người buôn bán cũng cần ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật. Người dân cũng không nên mua hàng hoá, nhất là thực phẩm bán ở đây, bởi không an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng trong căn tin của BV nên bán với giá cả hợp lý để người bệnh và thân nhân không ra ngoài mua.

Nguyễn Cảnh
.
.
.