Báo động tai nạn điện chết người do bất cẩn khi nuôi tôm
Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra 29 vụ tai nạn điện, làm 29 chết; trong đó có nhiều vụ tai nạn xảy ra trong khu vực nuôi tôm. Cụ thể, ngày 23-10, tại phường 1, thị xã Vĩnh Châu, xảy ra vụ tai nạn điện khiến 1 người tử vong; nạn nhân là ông Kim Toom (hành nghề nuôi tôm).
Khoảng 18h, ngày 23-10, ông Toom ra sửa chữa dàn quạt sục oxy ao tôm không may bị điện giật tử vong tại chỗ. Cùng ngày, tại ấp Sông Cái 2, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, cũng xảy ra vụ tai nạn điện khiến anh Võ Thanh Ngân (hành nghề nuôi tôm) tử vong.
Nhân viên ngành Điện Sóc Trăng đến thị xã Vĩnh Châu tuyên truyền cho người dân về cách sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm. |
Trước đó, lúc 21h, thấy vuông tôm tắt đèn, anh Ngân ra nối dây điện bị hở nhưng không cắt cầu dao điện dẫn đến điện giật gây tử vong. Ba ngày sau đó, lúc 17 ngày 26-10, tại ấp Bình Du A, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, lại xảy ra vụ điện giật khiến anh Phan Quốc Phong (làm thuê) tử vong. Khi đó, trong quá trình sửa chữa dàn quạt sục oxy cho ao tôm, anh Phong vô ý chạm vào trục lăn của dàn quạt bị rò điện nên bị điện giật tử vong.
Trước đó, từ ngày 1 đến ngày 9-10, cũng tại thị xã Vĩnh Châu, xảy ra 2 vụ tai nạn điện khác, khiến 2 người tử vong. Tất cả do bất cẩn trong sửa chữa dàn quạt sục oxy ao tôm…
Tại Cà Mau, từ đầu năm 2017 đến nay, đã xảy ra 34 vụ tai nạn điện, làm 26 người chết, 8 người bị thương. Trong đó, nhiều vụ tai nạn điện xảy ra ở đầm nuôi tôm, làm người chết 8.
Theo ông Thiều Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau, qua kiểm tra phát hiện 150 hộ sử dụng điện nuôi tôm và điện chia hơi không an toàn. Trong đó, có 50 hộ kiểm tra lần 2 và 10 hộ kiểm tra lần 3 nhưng người dân chưa khắc phục…
Ngày 3-11, tại đầm tôm trên địa bàn ấp 5, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, anh Nguyễn Thanh Hòa (35 tuổi), người nuôi tôm thuê tại đầm tôm do anh Nguyễn Văn Thanh (34 tuổi) làm chủ, đã bị điện giật tử vong.
Theo cơ quan điều tra Công an Trà Vinh, trưa 2-11, sau khi ăn cơm, anh Hòa báo với ông Nguyễn Văn Bé (cha của anh Thanh) ra thăm vuông tôm. Hơn một giờ sau, ông Bé không thấy anh Hòa về nên đi tìm và điện thoại cho anh Thanh biết.
Chiều cùng ngày, anh Thanh về đến nơi thấy chiếc dép anh Hòa mang thường ngày trôi trên mặt đầm. Anh Thanh liền lội xuống mò thì phát hiện anh Hòa nằm úp dưới đáy đếm tôm và đã tử vong. Cơ quan Công an xác định anh Hòa bị điện giật ngã xuống đầm tôm tử vong…
Chỉ tính riêng địa bàn thị xã Duyên Hải (Trà Vinh), từ đầu năm 2017 đến nay xảy ra 8 trường hợp tử vong do bị điện giật ở đầm tôm. Hiện nay, trong quá trình nuôi tôm có nhiều trường hợp người dân không thực hiện đúng các quy định về an toàn trong sử dụng điện, như: tự ý kéo dây điện chằng chịt, chắp nối nhiều chỗ; sử dụng vật tư, thiết bị điện kém chất lượng, không đạt yêu cầu kiểm định, cách điện.
Cũng trong quá trình sử dụng điện, người dân đã tùy tiện câu móc, lắp đặt, sửa chữa thiết bị, lưới điện phục vụ sinh hoạt mà không được trang bị kiến thức kỹ thuật điện. Qua khảo sát hiện trạng các vùng nuôi tôm, ngành Điện nhận thấy các hộ nuôi tôm khi lắp đặt mô-tơ điện không sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố xảy ra.
Ông Thạch Tư (ngụ phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), cho biết: “Do muốn giảm chi phí đầu tư nuôi tôm, nên tôi chỉ kéo một dây (dây nóng - PV) để đấu nối vào mô-tơ điện chạy quạt sục oxy, còn dây nguội được cắm xuống đất”. Khi được cảnh báo về việc làm trên hết sức nguy hiểm, ông Tư không ngần ngại chia sẻ: “Dù biết không an toàn nhưng tôi thấy ở đây ai cũng làm thế nên làm theo” (?!).
Nhằm ngăn ngừa tai nạn điện cho người dân nuôi tôm, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã chỉ đạo các Công ty Điện lực trực thuộc, thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp đường dây và trạm biến áp không đảm bảo vận hành an toàn.
Tuy nhiên, đối với các đường dây nằm sau đồng hồ của khách hàng, ngành Điện không can thiệp được vì đây là tài sản của khách hàng. Trước tình hình trên, ngành Điện đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về an toàn điện đến người dân, vận động người dân sử dụng điện an toàn và tiết kiệm.
Cụ thể, để hạn chế mất an toàn điện trong nuôi tôm, ngành Điện khuyến khích người dân thay thế các loại cột đỡ dây điện không đúng tiêu chuẩn bằng trụ bê-tông có chiều cao từ 6 - 8,5m làm trụ đỡ đường dây và sử dụng giá sắt đỡ sứ cách điện nhằm đảm bảo an toàn điện. Bên cạnh đó, sử dụng dây bọc cách điện hoặc cáp điện, tiết diện phù hợp với công suất sử dụng. Phải sử dụng đủ dây nóng và dây nguội để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Trước khi lắp đặt, các Công ty Điện lực khuyến cáo người dân nuôi tôm nên tham khảo Điện lực địa phương để được tư vấn lắp đặt và vận hành cho đảm bảo an toàn. Trong quá trình sử dụng phải thường xuyên kiểm tra, có vấn đề thì liên hệ ngay Điện lực tại địa phương để được giải quyết, khắc phục kịp thời. Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực miền Nam cũng khuyến cáo người nuôi tôm không sử dụng bẫy điện để chống trộm tại ao tôm…