Bánh Trung thu handmade "lên ngôi"
- Thu giữ nguyên liệu làm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
- Bánh Trung thu làm thủ công vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
- Nhiều nguyên liệu làm bánh Trung thu giá rẻ trôi nổi trên thị trường
Năm nay, thị trường bánh Trung thu khởi động khá sớm, nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường từ khoảng cuối tháng 6 (âm lịch).
Trên một số tuyến phố lớn của TP Hồ Chí Minh như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tri Phương… các thương hiệu bánh Trung thu lớn như Kinh Đô, Như Lan, Bibica, Đồng Khánh... trưng bày nhiều gian hàng với nhiều loại bánh Trung thu có mẫu mã đẹp và đa dạng.
Đặc biệt, so với mọi năm, năm nay các nhà sản xuất bánh Trung thu chủ yếu sản xuất sản phẩm nghiêng về chủ đề "Trung thu dành cho thiếu nhi" và đặc biệt hơn nữa là quà tặng dành cho thiếu nhi, khuyến mãi “mua 1 tặng 1” (mua 1 hộp Trung trung thu tặng 1 hộp bánh pía) được thực hiện ngay từ đầu mùa.
Mùa Trung thu năm nay, Bibica dự kiến sẽ đưa ra thị trường khoảng 550 tấn sản phẩm (tăng 11% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái) với trên 50 chủng loại gồm 3 dòng sản phẩm chính: Bánh Trung thu cao cấp, bánh Trung thu dinh dưỡng và bánh Trung thu truyền thống giá bình quân dao động từ 37.000 - 140.000 đồng/cái. Các dòng bánh sang trọng, cao cấp, giá từ 370.000 đồng – 1,3 triệu đồng/hộp.
Bánh Trung thu handmade được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: PV. |
Nhìn chung, mùa Trung thu năm nay các đơn vị sản xuất sản phẩm bánh Trung thu thiên về giảm ngọt, giảm béo, để phù hợp hơn với nhu cầu của đa số người tiêu dùng (NTD).
Nhiều loại bánh sử dụng nguyên liệu tự nhiên như hạt hạnh nhân, hạt dưa, hạt mè... thay thế các loại mứt và dùng các nguyên liệu trái cây cramberry, gấc, trà xanh matcha để tạo hương vị và màu sắc cho bánh.
Bên cạnh sản phẩm bánh Trung thu của các nhà sản xuất lớn, thì thị trường bánh Trung thu hiện còn có sự “lên ngôi” của các loại bánh Trung thu sản xuất thủ công (handmade) cũng không kém sự đa dạng mẫu mã, chủng loại so với các thương hiệu lớn, nhưng giá cả lại hấp dẫn hơn nhiều.
Chị Nguyễn Thị Nga (ngụ quận Gò Vấp) chuyên sản xuất bánh Trung thu handmade cho biết: Mùa bánh Trung thu nào đoàn kiểm tra cũng phát hiện có xuất hiện trên thị trường bánh Trung thu kém chất lượng, bánh Trung thu giả nhãn hiệu, không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo an tòan vệ sinh thực phẩm hoặc bánh hết hạn nhưng được tẩy xóa, thay hạn mới,…
Vì vậy, bánh Trung thu handmade được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn so với mọi năm do có ưu thế là sử dụng 100% nguyên liệu sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khách hàng có thể đặt bánh theo yêu cầu tùy theo sở thích riêng về khẩu vị, hương vị, độ ngọt, nhạt, độ mỏng, dày của vỏ bánh... và đặc biệt là cùng một loại sản phẩm nhưng giá bánh Trung thu handmade rẻ hơn nhiều so với sản phẩm khác trên thị trường do người bán sản xuất trực tiếp, không phải tốn các chi phí trung gian.
Mặc dù nhiều người tiêu dùng tin tưởng dùng bánh Trung thu handmade với những lý do trên, nhưng theo chị Trần Thị Thanh (ngụ quận Tân Bình), có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất bánh Trung thu handmade cho rằng: Việc làm bánh Trung thu handmade còn tùy thuộc vào cái tâm của người sản xuất. Bởi vì, để đầu tư bộ “đồ nghề” dùng để sản xuất bánh Trung thu không phải là ít. Hơn nữa, nếu chỉ nhận những đơn hàng nhỏ thì tự làm sẽ không có lời. Vì vậy, với những đơn hàng nhỏ lẻ, để có lời không ít người làm bánh Trung thu handmade mua nhân bánh bán sẵn ngoài chợ để về sản xuất. Trong khi đó, các loại nhân bánh này phần lớn bán theo kg (1kg/bịch hoặc 3kg/bịch) không rõ xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng.
Còn nước đường dùng để làm bánh Trung thu thì phải được ủ từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, phần lớn những người làm bánh Trung thu handmade là những người nội trợ, không có kế hoạch để chuẩn bị nguồn nguyên liệu. Vì vậy, thật khó để kiểm chứng được những lời quảng cáo của người bán hàng là nguyên liệu tự làm, chất lượng bảo đảm.