Làm gì để ngăn ngừa tội ác từ axít?

Thứ Bảy, 24/10/2015, 07:58
Sử dụng axít nhằm mục đích trả thù được coi là một tội ác. Thế nhưng, tội ác ấy vẫn xuất hiện ở mọi thời điểm, trong nhiều tình huống khác nhau. Mục đích chính của việc sử dụng axít giải quyết mâu thuẫn là nhằm hủy hoại cơ thể người khác. Vậy mà axít có thể dễ dàng mua như mua rau. Còn đối tượng cũng rất dễ dàng thực hiện hành vi tội ác. Vậy làm sao để ngăn chặn tội ác?


Theo lời chỉ dẫn của anh T. - một thợ sửa xe trên phố Phủ Doãn, 10h ngày 20-10, chúng tôi có mặt tại phố Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) nơi được biết đến như khu “chợ hóa chất”. Thấy xe chúng tôi giảm tốc độ, tấp vào lề đường, anh chủ ngồi trước cửa hàng X. hồ hởi mời chào: “Mua gì hai em. Cứ đỗ xe vào đây”. “Mình có axít không anh?” - “Có! Em lấy loại nào. Đậm đặc hay loãng?”. “Loại đậm đặc nhất”, tôi tiếp lời. Rồi anh giới thiệu loại axít H2SO4. Bên cạnh việc tẩy rửa các chất cặn bám trên nền đá, loại này còn được chủ các tiệm xe mua về để pha chế thành nguyên liệu làm ắc quy xe ôtô, môtô. Do tính chất đậm đặc, độ phân hủy mạnh nên giá thành của nó đắt hơn so với dung dịch axít loãng thông thường như HCL. Và để “sở hữu” 1 lít dung dịch axít H2SO4 này, chúng tôi chỉ phải chi số tiền 80 ngàn đồng mà không phải nêu mục đích của việc mua axít.

Để san dung dịch axít H2SO4 từ chiếc can 5 lít đang để trước cổng cửa hàng ra bán cho chúng tôi, anh chủ đã phải đeo găng tay, bịt khẩu trang. Anh chủ lý giải, trong quá trình san, chắt dung dịch cần phải đặc biệt lưu ý. Cũng theo anh chủ này, nếu chẳng may trong quá trình sử dụng, dung dịch axít này dính vào cơ thể, tai nạn bỏng sẽ xảy ra. Chỉ chưa đầy 5 phút, cuộc giao dịch đã hoàn tất. Trên tay tôi lúc này là chiếc can nhựa có chứa 0,5 lít dung dịch axít đậm đặc. Quả đúng như lời anh T. cho biết: “mua axít thật dễ như mua rau”.
Dễ dàng mua axít ở một cửa hàng hóa chất.

Không riêng gì các cửa hàng kinh doanh hóa chất trên phố Hàng Hòm, một số cửa hàng sửa chữa môtô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện cũng kiêm thêm dịch vụ bán dung dịch axít. Tuy nhiên, các sản phẩm axít dạng này thường đã được pha chế loãng hơn so với dung dịch axít ban đầu. Vậy nhưng, độ sát thương, tính chất gây bỏng của nó vẫn cao. Sau buổi khảo sát, ghi nhận thực tế thị trường cung cấp dung dịch axít ở Hà Nội, chúng tôi thấy rằng, loại hóa chất này đã và đang được bày bán khá tràn lan trên thị trường, loại nào cũng có.

Trở lại cuộc tiếp xúc với anh chủ cơ sở bán dung dịch axít trên phố Hàng Hòm, khi đặt vấn đề người mua sử dụng axít để gây án, anh chủ cũng tỏ ra lo ngại, song, anh cho biết, mình chỉ biết bán, còn mục đích người mua thì không thể biết. Bởi hiện có rất nhiều người tìm mua axít về để pha chế tẩy rửa, san nạp bình ắc quy…

Nghe nhiều về tác hại, tính chất gây bỏng của axít, song có tận tay làm thử thí nghiệm với loại dung dịch này, chúng tôi mới càng thêm thấy mức độ phá hủy của axít là như thế nào. Cầm chai chứa dung dịch axít mua được ở phố Hàng Hòm về đổ thử ra nền gạch, thứ hóa chất đó sủi bọt, xộc lên mặt, vào mũi người đứng gần dù đã đeo khẩu trang.

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân đánh giá: Sử dụng axít để thực hiện hành vi phạm tội vốn đã xuất hiện từ rất nhiều năm trước đây. Mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhưng việc tội phạm sử dụng axít gây án vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ cao. Đây là một loại hóa chất đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người cũng như sự hủy hoại giá trị các loại tài sản.

Axít là hóa chất gây sát thương rất cao, phá hủy các thành phần hữu cơ và vô cơ cực mạnh và gần như không thể phục hồi, nhiều trường hợp nạn nhân trở nên tàn phế hoặc tử vong. Vì vậy, nạn nhân bị tạt axít luôn bị “sốc” nặng, hoảng loạn, đau đớn tột cùng và thường để lại những di chứng rất nặng nề cho suốt quãng đời còn lại như: luôn mặc cảm nặng nề về sự biến dạng của cơ thể, nhất là khuôn mặt (các đối tượng gây án chủ yếu nhằm tạt axít vào mặt nạn nhân). Thậm chí nó còn làm thay đổi số phận của một con người; về tương lai, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình… của nạn nhân.

Trả lời câu hỏi làm cách nào để ngăn chặn tội ác liên quan đến axít có thể xảy ra, Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn khẳng định: “Tội phạm sử dụng axít gây án luôn bị xã hội lên án gay gắt, hành vi đó thể hiện động cơ đê hèn, thủ đoạn tàn độc, sự lạnh lùng, mất nhân tính của thủ phạm. Kẻ gây án thực hiện hành vi phạm tội nhằm làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và tinh thần suốt cuộc đời (hầu hết xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm). Vì vậy, luật hình sự xác định đây là tình tiết tăng nặng hình phạt; đó cũng là một trong biện pháp răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Mặt khác, hầu hết các vụ sử dụng axít gây án xuất phát từ mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn tình ái. Vì vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tội phạm cần phải hóa giải mâu thuẫn. Mỗi người tự mình (hoặc cần được giáo dục, rèn luyện) biết kiềm chế, có kỹ năng xử lý các xung đột mâu thuẫn, hạn chế các xung đột và hành vi tiêu cực, bất lợi. Gia đình, bạn bè, cộng đồng dân cư cần phát hiện sớm những mâu thuẫn, hòa giải, tư vấn, khuyên nhủ và góp phần giải quyết mâu thuẫn, xung đột để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý, axít Sunfuric (H2SO4) là loại hóa chất đặc biệt nguy hiểm nên phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải rà soát các qui định, tổ chức quản lý chặt chẽ, có các chế tài phù hợp không để loại hóa chất này tràn lan trên thị trường và nguy hiểm nhất là rơi vào tay tội phạm để gây án.

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm này, trước hết cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân. Khi một người hiểu và ý thức rõ rằng hành vi của họ nhất định sẽ bị lên án và trừng phạt, bản thân họ và gia đình họ phải chịu những hậu quả nặng nề (như tù tội, tan vỡ hạnh phúc, bồi thường thiệt hại, sự ám ảnh, day dứt, ân hận, tủi nhục, mặc cảm…) thì sẽ hạn chế xảy ra hành vi phạm tội.

(Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân)

Việt Hà-Trần Huy
.
.
.