“Tín dụng đen” mối nguy đang tồn tại?

Điêu đứng vì vay… “đứng”! - Bài 3

Chủ Nhật, 22/07/2018, 09:55
Nếu như cho vay nặng lãi theo kiểu “ngân hàng cột điện” được ví là những cơn lốc tàn phá “nhà tranh vách lá” thì một số kiểu cho vay lãi “tàn khốc” khác là những cơn bão lớn cuốn phăng cả nhà phố, biệt thự… Không ít gia đình khá giả, yên ổn bỗng chốc hóa cơ hàn khi làm liều đầu tư kinh doanh bất động sản, mua bán đồ trang sức, ôtô… bằng tiền vay lãi nặng.


Tan cửa nát nhà từ vay nợ

Trình báo với cơ quan Công an, ông Trần Quý Dũng (ngụ khu phố Bình Đường 3, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, mấy tháng nay gia đình ông hoang mang cực độ vì liên tục bị chủ nợ và những người mình đầy xăm trổ đến uy hiếp đe dọa, gọi điện đòi cắt cổ cả nhà nếu không trả nợ vay. 

Ông Dũng cho biết, đầu năm 2017 vợ ông là bà Nguyễn Thị Mỹ Linh có quen với bà N.T.H kinh doanh đồ trang sức, ngụ tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Một thời gian sau, do thích một số món đồ trang sức nhưng lại không đủ tiền nên vợ ông mua thiếu của bà H. Ngoài ra, vợ ông còn mua thiếu chiếc xe SH đã cũ của bà H và tham gia chơi hụi trong đường dây của người này. 

Vài tháng sau, do không có tiền để trả, vợ ông đành gộp lại số tiền đã thiếu là khoảng 2 tỷ đồng rồi vay tiền của bà H để trả lại cho chính bà H. Cứ thế hết lần này đến lượt khác, đến tháng 4-2018, cộng các khoản lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền vợ ông nợ bà H đã lên đến 20 tỷ đồng, có những khoản nợ lãi suất lên đến 40%/tháng.

Biết không thể giấu chồng được nữa, bà Linh đành thú nhận việc vay mượn nợ, ông Dũng như chết lặng. Do bị bà H đòi nợ ráo riết, mấy tháng qua bà Linh đổ bệnh và không dám bước chân ra khỏi nhà. Hai đứa con bà Linh cũng nghỉ học vì sợ bị gây hại. 

Và từ đó đến nay, gia đình ông Dũng nhiều lần bị đối tượng lạ mặt khủng bố tinh thần bằng cách quăng “bom sơn” vào nhà. Một đối tượng xưng tên Bảy còn gọi điện đòi cắt cổ ông Dũng nếu không gặp hắn để trả nợ. Không tìm được ông Dũng, một số đối tượng đòi nợ thuê tìm đến nơi ông  Dũng làm việc và đe dọa đòi “xử” cả đồng nghiệp của ông. Quá sợ hãi, ông Dũng đã phải trình báo sự việc đến cơ quan Công an. 

Thông báo về kết quả giải quyết đơn tố cáo của ông Dũng, Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Công an phường An Bình đã hướng dẫn cho ông Dũng gửi đơn đến Tòa án nhân dân quận Thủ Đức để giải quyết; trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì trình báo cơ quan Công an. Tuy nhiên, do công ty đòi nợ thuê cho bà H xuất trình đầy đủ giấy tờ, hợp đồng ủy quyền đòi nợ… và hành vi vi phạm của họ chưa đến mức phải xử lý, nên chỉ bị nhắc nhở. Do vậy mà hiện tại gia đình ông luôn sống trong âu lo, sợ sệt.

Gia đình ông Trần Quý Dũng bị “khủng bố” bằng “bom sơn”.

Ông N.V.Phan ngụ quận 9 thuộc dạng gia đình khá giả. Do đất ở khu vực khá sốt lại nghe một “cò đất” quen biết rỉ tai giới thiệu mua nền đất với giá gốc, chênh lệch mỗi mét vuông từ 4-5 triệu đồng so với giá thị trường. Đất nằm trong khu quy hoạch “phân lô hộ lẻ” ở phường Trường Thạnh, đã san lấp mặt bằng, chừng 1 tháng nữa sẽ có giấy tờ đầy đủ. Nếu mua từ bây giờ, 1 tháng sau bán lại lãi 400-500 triệu đồng dễ như trở bàn tay. 

Nghe mùi tai, vốn cũng biết giá đất ở khu vực này nên ông Phan toan tính kiếm tiền nhanh. Sẵn có tiền gửi tiết kiệm gần 1 tỷ đồng, ông rút hết và thế chấp căn nhà cho một đối tượng cho vay nặng lãi để vay thêm 500 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng để đầu tư mua 1 lô hơn 100m2 vị trí gốc đường nội bộ. 

Theo thỏa thuận, người cho vay và ông Phan sẽ ra công chứng làm một hợp đồng vay và một hợp chuyển nhượng tài sản. Bên cho vay sẽ cho ông Phan  thời hạn 6 tháng để chuộc lại tài sản, nếu không bên cho vay sẽ đăng bộ căn nhà. Hàng tháng ông Phan phải trả lãi vay là 100 triệu đồng, nếu không đóng đủ sẽ bị lãi chồng lãi. Nghĩ mình vay cao lắm là 1 tháng sẽ bán được đất, trừ lãi 100 triệu đồng vẫn còn lời chán nên ông Phan đồng ý vay. 

Một tháng rồi hai, ba tháng…trôi qua, do đất chưa có đầy đủ giấy tờ và đã “hạ nhiệt” nên ông Phan vẫn không bán được đất. Và cứ mỗi tháng trôi qua ông Phan phải làm giấy mượn nợ để trả phần lãi vay. Thời hạn 6 tháng đã đến ông Phan chẳng thể đào đâu ra để trả nợ nên đành mất căn nhà mà còn nợ tiền lãi hơn 1 tỷ đồng. Giờ ông Phan phải ở nhà thuê và theo đuổi vụ kiện mua bán nền đất do chủ đầu tư đã tháo chạy chưa biết đến bao giờ kết thúc. Nhưng nếu có kết thúc, có bán được lô đất cũng trả không đủ tiền lãi đã vay…

Kiểu vay của bà Linh, ông Phúc là vay “đứng”, tức vốn “đứng” yên một chỗ, con nợ phải è cổ ra đóng lãi hàng tháng với mức từ 10% trở lên, cá biệt lên đến 50-60%/tháng. Nếu không có tiền đóng lãi thì lãi chồng lãi, số nợ phình to theo từng ngày. Biết bao người đã mất nhà cửa một cách “êm đẹp” vì nếu có thưa kiện ra tòa, người vay tiền chẳng có chứng cứ gì để chứng minh mình vay nặng lãi và hợp đồng mua bán nhà kia là giả cách. Trong khi đó kẻ cho vay đã nắm đằng cán, cầm bảng chính “sổ đỏ” trong tay nên dễ dàng thắng kiện.

Theo một cán bộ của Phòng CSHS Công an TP Hồ CHí Minh thì loại “vay đứng” còn hoạt động mạnh hơn trong tệ nạn mà World Cup vừa qua chính là mùa của giới cho vay kiểu này. Để được vay, con bạc phải cầm cố xe cộ, giấy tờ nhà đất hoặc là con cái trong gia đình khá giả mà chúng biết có khả năng trả nợ thay. Một kiểu vay cũng tàn khốc khác là vay ngày, chủ yếu tồn tại trong hoạt động giải chấp, đáo hạn ngân hàng. Tùy nơi, lãi suất cho vay ngày có khác nhau nhưng đều ở mức…rất nặng từ 0,4-1,7%/ngày (tức 12-51%/tháng).

Hãy tự cứu mình

Tuy hoạt động cho vay nặng lãi rầm rộ, có mặt khắp cộng đồng dân cư như vậy nhưng các đối tượng bị bắt giữ về hành vi cho vay nặng lãi lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thường những đối tượng này “xộ khám” là từ các hành vi phạm tội khác như “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”, “cố ý gây tương tích”. 

Theo luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Dương Luật - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chính là điều tra các vụ án “cho vay nặng lãi” là chứng minh mức lãi suất của người cho vay. Bởi lẽ, người chuyên sống bằng hành vi cho vay nặng lãi rất khôn ngoan trong việc che giấu hành vi của mình.

Cũng thực tế cho thấy, nạn nhân của cơn “cuồng phong lãi nặng” rất đáng trách khi vay lãi nặng để sử dụng vào mục đích phi pháp khi đánh bài, đánh đề, cá độ… hoặc làm liều, thiếu tính toán trong việc kinh doanh, không phòng hờ đến khả năng rủi ro nên khi làm ăn thất bại đã để lại khoản nợ, lãi khổng lồ. Đến khi kiệt quệ, than thân trách phận thì đã muộn. 

Cho nên, bên cạnh pháp luật cần có biện pháp kín kẽ để xử lý kẻ cho vay nặng lãi thì Nhà nước cũng cần có tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về hậu quả của việc cho vay nặng lãi để mọi người thức tỉnh, tránh xa thòng lọng có thể siết cổ mình bất cứ lúc nào. Vì thực tế, dù luật pháp có hoàn hảo đến mức nào đi nữa cũng khó ngăn được sự vay mượn nợ với lãi suất cao trong nhân dân. Nên mọi người cần phải có ý thức tự cứu mình trước tiên, đó là giải pháp tốt nhất.

Nhóm PV
.
.
.