Những góc khuất ở Sài Thành

Bài 2: Người vất vả kiếm cơm, kẻ ăn chơi vô độ

Thứ Năm, 03/09/2015, 08:17
Đêm Sài thành, các tụ điểm ăn chơi vũ trường, quán bar… đầy ắp các cậu ấm cô chiêu xài tiền như nước lắc lư trong tiếng nhạc xập xình, trong làn khói thuốc nghi ngút và nồng nặc mùi rượu mạnh. Phía bên ngoài, đường phố là “thiên đường” của những đám trẻ tụ tập sống “bầy đàn”, đua xe trái phép, ăn nhậu thâu đêm và điểm dừng cuối cùng của chúng là bên làn khói ma túy đá… Ngược hẳn với hình ảnh này là những người lao động lọ mọ tìm kiếm từng đồng để lo chén cơm, manh áo…
  • Bài 1: Mưu sinh sau 0 giờ
  • Phận người trong đêm

    Đấm bóp giác hơi dạo về đêm ở TP Hồ Chí Minh là một dịch vụ đã có từ rất lâu. Người làm nghề này là thanh niên trai trẻ, đa phần đến từ các tỉnh phía Bắc, tập trung thuê nhà trọ ở khu vực quận Gò Vấp. Hằng đêm, họ chia nhau địa bàn rồi đạp xe khắp các ngõ hẻm Sài Thành để tìm khách hàng cho mãi đến rạng sáng hôm sau. Trên nhiều tuyến phố còn có dịch vụ đấm bóp giác hơi vỉa hè do những người già neo đơn, nghèo khó, không nơi nương tựa thực hiện.

    Những người lớn tuổi mưu sinh trong đêm ở Sài thành.

    Từ sau 0h, dọc tuyến đường từ Hùng Vương về Kinh Dương Vương nối quận 5 và quận 6, trên lề đường thường xuất hiện những ánh đèn dầu le lói, ám hiệu để biết được nơi đây là điểm đấm bóp giác hơi. Thấy chúng tôi tấp xe vào, một bà cụ bước ra hồ hởi: “Đấm bóp hả chú, 50 ngàn đồng bao luôn cạo gió. Mà mấy chú nhậu chưa vậy, nhậu rồi thì thôi, không đấm bóp được. Ở ngoài trời mà cởi áo thì nguy hiểm lắm, trúng gió chết như chơi!”. Chúng tôi bảo đi làm đêm thấy mệt mỏi nên ghé đấm bóp cho khỏe, thế là chiếc chiếu cũ rích được trải lên vỉa hè.

    Bà cụ cho biết mình tên là Nguyễn Thúy An, quê ở Cần Thơ, năm nay đã gần 70 tuổi. Đôi tay bà An còn rất nhanh nhẹn với thao tác thuần thục không kém gì những người mát-xa chuyên nghiệp. “Chồng con cụ ở đâu mà cụ phải vất vả kiếm sống?”- Chúng tôi gợi chuyện. Bà An dừng tay, thở dài: “Chồng chết rồi. Con thì không có, không làm lấy gì sống hả chú?”. Bà bảo cái nghề đấm bóp như là cái nghiệp đã theo bà từ Cần Thơ lên đến Sài Gòn đã ngót nghét 30 năm. Ngày trước khi ông chưa mất, hai vợ chồng bà cũng hành nghề đấm bóp ở khu vực bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Thuở mới cưới nhau, vợ chồng thèm một đứa con lắm nhưng bà bị vô sinh nên đành chịu. Vậy mà ông vẫn yêu thương bà trong suốt gần 30 năm chung sống cho đến khi qua đời ở độ tuổi 50.

    “Ổng mất tui như chết đi một nửa, đêm ra bến Ninh Kiều đấm bóp một mình nhớ ổng không thể tả. Lúc lang thang về nhà nhìn đâu cũng thấy bóng ổng. Chịu không nổi tui quyết lên Sài Gòn để nguôi ngoai. Lúc đó đất lạ quê người lại chẳng có vốn liếng gì nên tui lại hành nghề đấm bóp”. Theo bà An, ngày nào “trời đãi” thì làm được 5-7 suất, ngày ế thì chẳng có khách nào. Thường khoảng 3h sáng là bà nghỉ làm rồi về căn phòng trọ giá 10 ngàn một đêm ở phía bên kia quận 8. Làm vất vả cực khổ vậy nhưng thỉnh thoảng cũng có kẻ đến đây xin đểu. “Toàn là mấy đứa nghiện nó xin tiền để mua ma túy, mình không cho cũng khổ nên bấm bụng cho nó vài chục để yên thân”- Bà An cho biết.

    Nhỏ hơn bà An gần 20 tuổi là bà Thủy quê ở Cầu Ngang (Trà Vinh) chuyên bán trái cây dạo về đêm ở khắp các ngõ ngách khu trung tâm quận 1. Bà cùng chồng và 3 con lênh đênh sông nước để mua trái cây từ miệt Bến Tre về TP Hồ Chí Minh bỏ mối ở các vựa trái cây dọc theo kênh Tẻ, quận 7. Có lẽ do cuộc sống vất vả nên chồng bà đã dứt áo ra đi cùng người đàn bà vốn là mối chủ vựa trái cây trước đây. Vì mất người trụ cột bà Thủy đành phải bán ghe lên bờ bán trái cây dạo nuôi 3 con. Ban ngày, do có khá nhiều người mưu sinh bằng nghề này nên bà quyết định chuyển sang bán vào ban đêm.

    “Từ sau 10h tối trên các vỉa hè, công viên thường có nhiều người ngồi nhậu nên bán rất được chú ạ. Vì có nhiều mối quen mua hàng nên chẳng lúc nào tôi sợ ế” - bà Thủy khoe. Hỏi về các con, bà cho biết chúng đã lớn khôn và có gia đình nhưng đứa nào cũng làm thuê kiếm sống qua ngày nên bà vẫn phải tự mưu sinh. Số tiền chắt chiu có được bà cũng không để riêng mình mà dành giúp cho các cháu của bà mỗi khi ốm đau bệnh hoạn. Nơi ở của bà là căn phòng chỉ dăm mét vuông nằm trong một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1.

    Trời hửng sáng, dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, phố ghế bố Nguyễn Công Trứ, phố cóc ổi Kỳ Đồng (quận 3), nhà trọ 15 ngàn ở Cầu Muối… là những giấc ngủ vội của dân lao động nghèo mưu sinh về đêm đánh dấu kết thúc một ngày làm việc vất vả. Nhưng lại là một ngày mới bắt đầu của các bác xích lô, người bán vé số, trẻ em đánh giày…

    Báo động một lối sống “bầy đàn”

    Trái ngược, hơn 2h sáng của một ngày cuối tháng 8, đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn dưới chân cầu Chà Và, quận 5) đang im ắng bỗng vang lên tiếng nẹt pô inh ỏi của hơn 10 chiếc SH khiến nhiều người dân sống ven đường phải bừng tỉnh giấc. Các quái xế rạp người trên yên xe lao như trên bắn, phía sau là tiếng hò hét hết cỡ của các cộ gái tuổi đôi mươi. Sau khi “kéo” vài dòng trên đại lộ nhóm người này tập trung lại dưới chân cầu Chà Và. Khi chúng tôi vừa trờ tới, thiếu nữ với bộ trang phục khá đẹp mắt yêu cầu cả nhóm làm thêm vài vòng nữa. Một thanh niên mặt còn “búng ra sữa” bảo “bồ câu” (ám chỉ Cảnh sát giao thông) đang đứng đầy ở góc đường Phạm Phú Thứ nên “chỉ thị” rút vào vũ trường. Thế là cả nhóm lại lao đi trong tiếng nói cười thỏa chí…

    Ba giờ sáng, dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương, quận 5, một nhóm choai choai chiếm một bãi đất trống bày tiệc nhậu và hát nghêu ngao những bài nhạc chế. Nhìn gương mặt hốc hác, mắt hoắm sâu, theo cảm nhận của chúng tôi rất có thể chúng đều là dân chơi “hàng đá”. Trong vai người buồn gia đình đi bụi chúng tôi tiếp cận nhóm trẻ và nhanh chóng nhận được sự đồng cảm.

    Cô gái giới thiệu tên Loan, 17 tuổi, cho biết bỏ nhà đi bụi cùng đám bạn đã 1 tuần lễ nay. Loan cho biết do cha mẹ chỉ lo làm giàu, suốt ngày chẳng để ý gì đến con cái, thuê người đưa đón Loan đi học rồi canh giữ Loan suốt ngày ở nhà. Tù túng, bực dọc, Loan “chôm” tiền của cha mẹ để cùng nhau sống “bầy đàn”, tự do làm việc mình thích. Trong nhóm này có đứa đã chơi hàng đá từ rất lâu nên chúng rủ rê các cu cậu để có thêm thành viên nhằm tăng nguồn tiền để mua ma túy. Khi cạn tiền, những cơn nghiền ảo giác biến các con nghiện trở thành một con người khác hẳn và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để có tiền mua ma túy, từ trộm vặt, cướp giật đến dàn cảnh tống tiền, thậm chí giết người cướp của.

    Cách đây 3 tháng, Nguyễn Ngọc Phương Lam (ngụ quận 9) mới 16 tuổi đầu cũng buồn gia đình bỏ học đi bụi và chơi ma túy đá. Sau khi tiêu hết số tiền trộm của cha mẹ, Lam cùng đồng bọn lên kế hoạch tổ chức cướp tài sản của mẹ ruột Lam. Chính Lam đã dùng băng keo dán miệng, chân tay của mẹ để cướp đi số tài sản hơn 70 triệu đồng. Có tiền cả nhóm mua ma túy đá dự trữ rồi thuê nhà trọ sống “bầy đàn” cho đến khi công an lần ra dấu vết…

    Cũng tầm hai, ba giờ sáng, tại khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, các quán bar, nhà hàng, quán nhậu bình dân vẫn tấp nập dân chơi. Nhìn bàn nhậu với những gương mặt còn non choẹt ngấm hơi men, vỏ chai nằm ngổn ngang dưới sàn, chúng tôi không khỏi ngao ngán. Một bảo vệ dân phố ở đây cho hay, bên cạnh khách du lịch người nước ngoài thì phố Tây “ba lô” còn là điểm hẹn của đám trẻ con nhà giàu bỏ nhà đi bụi. Chúng đều là những kẻ bất cần đời, lao vào rượu chè, ma túy như những con thiêu thân...

    Nguyên nhân bọn trẻ sa ngã, bao đời nay vẫn vậy, đó là thiếu sự quan tâm dạy dỗ của các đấng sinh thành. Thế nhưng, ở Sài thành, có khá nhiều người giàu có chỉ mãi mê lo làm ăn, cứ nghĩ “quăng” một đống tiền cho con cái thì chúng sẽ vui sống và không làm chuyện bậy. Đến khi phát hiện con mình vướng vào ma túy, vướng vòng lao lý họ mới hối hận nhưng đã quá muộn màng!

    Mã Hải - Minh Đức
    .
    .
    .