Những góc khuất ở Sài Thành:

Bài 1: Mưu sinh sau 0 giờ

Thứ Tư, 02/09/2015, 10:16
Sau 0 giờ là thời điểm chợ đầu mối nông sản Bình Điền (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) xe hàng tôm cá ra vào tấp nập nhất. Chỉ cần đi một vòng quanh chợ thôi chúng tôi đã mỏi rời đôi chân, thế nhưng hàng trăm công nhân lao động từ các tỉnh miền Tây, miền Trung luôn tất bật đẩy xe hàng hết chuyến này đến chuyến nọ.
Họ không được thuê lương tháng mà làm ăn công mỗi chuyến dăm ba ngàn đồng. Ngày nào có hàng nhiều thì sáng ra cơm sườn, hủ tíu, thuê chỗ ngủ với giá 10-15 ngàn đồng/chỗ; lúc ế hàng thì xôi chè, mì gõ, bạ đâu ngủ đó để chờ một ngày mới lại bắt đầu…

Tại khu F, cạnh hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ chở đầy nước đá dùng ướp cá là hàng chục công nhân mắt đỏ hoe, tay tím tái do ngấm đá lạnh. Những thanh niên nhanh tay chất đá vào xe đẩy đến các ô vựa chỉ toàn cá và cá. Len lỏi trong nhóm thanh niên lực lưỡng là những đứa trẻ mặt còn non choẹt khoảng độ tuổi 13-14. Nhìn chúng thuần thục cào những lớp đá lạnh từ trên xe tải xuống để đẩy vào các vựa hải sản mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Giá như các em có một gia đình bình thường thì có lẽ giờ này đang ngon giấc để chuẩn bị một buổi sáng quần áo tươm tất đến trường. Thấy chúng tôi quan sát hai đứa trẻ đang đẩy chiếc xe đầy đá bào, một chủ xe tải cho biết đó là hai anh em Tân và Tiến. Cha mẹ hai em làm phụ hồ quần quật suốt ngày nhưng cũng không thể nuôi sống gia đình với tám miệng ăn. Là hai anh trai trong nhà, Tân và Tiến đành phải bươn chải để phụ cha mẹ nuôi em…

Bên cạnh các lao động nam là hàng chục phụ nữ luống tuổi tay thoăn thoắt cắt mang, đuôi cá, cạo vảy rồi ném vào một giỏ cần xé bên cạnh đang bốc mùi tanh nồng nặc. Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, chị Nguyễn Thị Thắm (38 tuổi, quê Trà Vinh) giơ bàn tay đeo chiếc găng tay đã ngả màu, nứt toác quệt giọt mồ hôi: “Có việc mần là ngon rồi chú ơi chứ hôi tanh mà nhằm nhò gì! Không mần thì mai tụi nhỏ lấy gì bỏ bụng!”. Để có 200 ngàn đồng sau suốt một đêm thức trắng, trung bình mỗi người làm công ở đây phải làm từ 80-100kg cá. Giá làm sạch, cắt mang, moi ruột một kg dao động từ 1.000 đến 3.000 ngàn đồng, tùy loại.

Chị Thắm tâm sự, dưới quê làm ruộng mỗi năm chỉ từ 1 đến 2 vụ lúa nên thời gian rảnh nhiều mà tiền bạc thì thiếu trước hụt sau. Nghe các bác tài chở cá ở gần nhà mách nước, đầu năm nay, chị cùng một số người cùng xóm lặn lội đến đây với hi vọng kiếm được những bữa cơm đủ no cho sắp nhỏ. Ban đầu đi làm thức khuya cả đêm mà sáng về ngủ cứ chập chờn nên người xanh xao, gầy yếu.

Giờ thì quen rồi, đêm nào không ngửi mùi tanh của cá thì thấy thiếu thiếu làm sao. Khác với chị Thắm, chị Hương, quê Cần Thơ làm bạn với chợ Bình Điền từ ngày đầu hoạt động. Ngót nghét mà đã hơn 10 năm, tiền làm công cũng chỉ đủ trang trải qua ngày chứ chẳng tích cóp được gì. Đã vậy, do đi làm xa lâu lâu mới về thăm nhà, chồng chị buồn tình đi theo người phụ nữ khác.

Bù lại, hai đứa con chị đang ở với ngoại ở quê, nhờ những đêm thức trắng của chị mà chúng học hành rất giỏi, năm nay một đứa đã vào đại học. “Chắc đời tui phải gắn mãi với cái chợ này ít nhất là đến khi hai con tui ra trường và có việc làm. Rồi cũng sẽ quen chú ạ, có điều làm cái nghề như tụi tui giờ nhìn thấy cá là ớn, ăn cơm mà thấy cá là muốn bỏ đũa!”- chị Hương trải lòng.

Chị Trần Thanh Hoa, chủ một vựa cá biển cho biết, dân làm cá ở đây đến từ khắp mọi miền, họ làm rất bài bản và có tổ, nhóm hẳn hoi. Các tổ trưởng, nhóm trưởng là người đứng ra giao dịch với các chủ vựa với giá khá cạnh tranh để có được việc làm thường xuyên và ổn định.

Tuy là nghề nhọc nhằn, vất vả nhưng nguồn lao động tìm đến đây luôn dư thừa so với nhu cầu. Lao động vác cá thuê ở chợ thì chủ yếu là dân địa phương hoặc các vùng lân cận, phần đông phải là dân “có máu mặt” mới được các chủ vựa tin cậy. Bên cạnh việc bốc vác cá, họ còn phải “kiêm” luôn khâu chống bọn “đá cá lăn dưa” vốn luôn tồn tại ở khu chợ búa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trộm vặt ở chợ là các nhóm “móc cá” với hàng chục tên. Chúng thường dàn cảnh va chạm vào các thùng, bao cá làm rơi xuống đường rồi lao vào “đá cá” cho đồng bọn bỏ vào bao. Sau khi “ăn hàng”, chúng tập kết ở các quán cà phê gần chợ rồi phân công mang cá đem bán cho các quán cơm hoặc người mua nhỏ lẻ. Tiền thu được chúng nướng hết vào rượu chè, bài bạc và ma túy.

Mưu sinh về đêm ở chợ đầu mối Bình Điền.

Một bảo vệ của chợ cho biết, thời gian gần đây thấy lực lượng Công an và bảo vệ làm mạnh tay nên chúng đã thay đổi cách thức là không làm theo nhóm mà đánh riêng lẻ. Khi màn đêm buông xuống chúng tụ tập “ngồi đồng” ở các quán cà phê, tiệm internet quanh chợ để chờ nửa đêm túa ra hoạt động. Tuy nhiên do phần đông chúng là trẻ em nên khi bị bắt quả tang, các chủ vựa ít khi giao cho cơ quan Công an mà chỉ “dạy” chúng vài roi cảnh cáo rồi thả.

“Nhưng chúng nào có sợ, một hai ngày là đâu lại vào đấy. Mà nói thật tình, chúng là những đứa trẻ bụi đời, lang thang nên không chôm chỉa thì lấy gì mà sống. Đó là cả một vấn đề xã hội nhức nhối mà đòi hỏi cơ quan nhà nước phải quan tâm xử lý không chỉ riêng ở khu chợ này”- một cán bộ Ban quản lý chợ Bình Điền bộc bạch. Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở khi đa phần trẻ “đá cá lăn dưa” đều trở thành những tên tội phạm nguy hiểm khi ở tuổi trưởng thành. Trùm giang hồ Năm Cam cùng một số đàn em “coi trời bằng vung” đều có “tuổi thơ dữ dội” ở khu chợ Cầu Ông Lãnh!

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tọa lạc ở cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh. Hàng đêm chợ có hơn 1.000 lao động miệt mài với công việc bốc vác rau củ quả từ xe tải vào các vựa. Công việc ở đây thường bắt đầu từ lúc 6h chiều hôm trước đến rạng sáng hôm sau nên họ là những người phải lấy đêm làm ngày.

Anh Hoàng, quê An Giang tâm sự: “6 giờ sáng thì tụi này xem như 6 giờ chiều, cơm nước xong xuôi là… đi ngủ có khi cho đến tận chiều muộn. Thi thoảng anh em kéo nhau ra quán cháo lòng làm ít xị rượu đế rồi trở về phòng trọ nghỉ ngơi. Cuộc sống cứ vậy hết ngày này qua ngày nọ”. Tiền công mỗi đêm dao động từ 200-300 ngàn đồng, có người tích cóp gửi về quê cho vợ con, cha mẹ; có người dành dụm để sau này học nghề, cưới vợ.

Ông Giáp Văn Lĩnh, một Đội trưởng bốc xếp chỉ huy hàng trăm lao động tại đây cho biết, anh em lao động đa phần quê ở các tỉnh phía Bắc và miền Tây Nam bộ, một số khác là sinh viên làm việc bán thời gian để có tiền ăn học. Do gia cảnh khó khăn lại đi làm ăn xa nên họ rất chịu khó và đùm bọc nhau.

Nhà trọ mà lao động ở đây thuê ở chủ yếu tập trung ở phường Bình Chiểu, Tam Bình (Thủ Đức) và thị xã Dĩ An (Bình Dương) do gần chợ đầu mối. Từ đó hình thành nên những khu nhà trọ của những người đồng hương như khu nhà trọ Bắc Giang, khu Thái Bình, khu Bạc Liêu, khu Cần Thơ… Ngoài ra, một số khu trọ tồi tàn thì được anh em gán cho cái tên “khổ sở” như khu Xóm Nghèo, Xóm Vắng… 

Ở các khu trọ này, ban đêm không có ai ở nhà, còn ban ngày thì… ai cũng ngủ! Do cuộc sống đảo ngược như vậy nên phần đông họ vẫn còn đang sống độc thân vì chẳng có thời gian đâu để tìm người trong mộng.

“Trước đây em có yêu một cô làm công nhân trong khu công nghiệp Bình Đường. Nhưng do cô ấy về tới nhà thì em đã đi làm, còn em quay về phòng trọ thì cô ấy đã vào ca nên rất hiếm khi gặp nhau. Buồn bã, cô ấy quyết chia tay” - Phong quê Bắc Giang tâm sự.

Phong dự định ráng làm vài năm kiếm tiền sẽ đi học nghề sửa xe gắn máy, tìm việc làm rồi sau đó mới tính chuyện vợ con. Cũng do ban đêm không có mặt ở phòng trọ nên hầu hết anh em lao động chẳng bao giờ mua sắm vật dụng, trong phòng chẳng có thứ gì ngoài chăn màn cũ rích và vài bộ quần áo đã bạc màu. Phong ở chung với người đồng hương tên Vũ năm nay đã gần 40 tuổi.

Vũ đã có 8 năm trong nghề cũng ở chợ đầu mối này nhưng anh chưa có ý định giải nghệ vì vợ và hai con ở quê nhà hàng tháng vẫn trông chờ vào số tiền mà anh gửi về. “Mưu sinh thì rõ rồi nhưng đêm nào không đến chợ lòng cảm thấy buồn khó tả, chắc tại đó là cái duyên, cái phận”. Vũ nói như tự an ủi mình nhưng anh cảm lấy lòng rất thanh thản khi sống bằng sức lao động chân chính của mình…

Mã Hải - Minh Đức
.
.
.