An Giang công bố dịch tả lợn Châu Phi
Ngày 22-5, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác, phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh và công bố dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn TP Long Xuyên.
- Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Á
- Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được phát hiện
Theo đó, ổ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn TP Long Xuyên xảy ra tại hộ ông Đinh Thanh Hồng (ngụ khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên). Ông Hồng có tổng đàn lợn nuôi 52 con, gồm: 2 lợn nái nuôi con; 23 lợn con theo mẹ và 27 con lợn cái sữa, lợn thịt. Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, từ ngày 12-5, 2 lợn nái hộ ông Hồng sốt bỏ ăn, 23 lợn theo mẹ chết toàn bộ, hộ nuôi đã tiến hành chôn 23 lợn chết tại vườn nhà.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn bệnh. |
Toàn bộ số lợn con của hộ ông Hồng chết trước khi 2 lợn nái bệnh, ông Hồng tự mua thuốc về tự điều trị và bán 2 lợn nái bệnh ngày 16-5. Trong 2 ngày 18 và 19-5, toàn bộ 27 con lợn còn lại của hộ ông Hồng đều bị sốt, bỏ ăn. Ông Hồng báo cho cán bộ thú y giám sát dịch bệnh, cán bộ thú y hướng dẫn rải vôi, vệ sinh tiêu độc bằng Biocid, hướng dẫn không bán chạy đàn lợn bệnh. Đến chiều 21-5, kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn lợn của hộ ông Hồng đã mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang và Trạm Chăn nuôi Thú y TP Long Xuyên kết hợp với chính quyền địa phương tiêu huỷ toàn bộ số lợn bệnh với ông Hồng gồm: 27 con lợn bệnh, trong đó, có 6 con lợn cai sữa, 14 con lợn lứa và 7 con lợn thịt.
Xử lí hố tiêu hủy lợn bệnh. |
Bước đầu, ngành chức năng tỉnh An Giang đã xác định nguyên nhân xảy ra ổ dịch bệnh dịch tả Châu Phi tại TP Long Xuyên nghi có thể là do nguồn thức ăn cho lợn do hộ ông Hồng sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Sau khi phát hiện ổ dịch trên địa bàn TP Long Xuyên, để triển khai các biện pháp chống dịch Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang đã lập chốt chặn 2 đầu ổ dịch, khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi bán kính 3 km để thực hiện các giải pháp theo dõi, giám sát đàn lợn để lấy mẫu khi có nghi ngờ; vệ sinh tiêu độc sát trùng toàn bộ vùng có nguy cơ... tại các phường Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Quý (TP Long Xuyên).
Đồng thời, cũng đề nghị UBND TP Long Xuyên tiến hành rà soát số lợn bệnh bán chạy trên địa bàn, khi phát hiện xử lý triệt để theo đúng quy định; tiến hành xử lý triệt để lò giết lợn lậu tồn tại trên địa bàn TP Long Xuyên.
Để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang, hiện UBND các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh đã lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời đường bộ, 2 chốt đường thuỷ kiểm soát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới) và chốt trên sông Hậu (TP Long Xuyên). Từ khi thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời đến nay tỉnh An Giang đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát được gần 2.700 phương tiện vận chuyển với số lượng gần 5.000 con trâu, bò; gần 80.000 con lợn, gần 300.000 con gia cầm và gần 430.000 kg sản phẩm gia súc gia cầm.
Hiện tỉnh An Giang đã phát hiện 18 trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm vi phạm và phạt tiền 57,5 triệu đồng với vi phạm là trốn tránh chốt kiểm dịch và vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cũng tập trung chỉ đạo kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu, các chốt kiểm dịch tạm thời giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua chốt, đảm bảo giám sát 24/24 giờ và 100% các phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tại tỉnh Hậu Giang, đến nay đã phát có 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã có dịch tả lợn Châu Phi, hiện 1 huyện đã tuyên bố hết dịch. Cụ thể, tối 21-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang tiến hành tiêu hủy hơn 1.200 con heo mắc bệnh tả lợn châu Phi.