Ấm tình người trong “Ngày hội gia đình phạm nhân”

Thứ Ba, 24/10/2017, 12:23
Ấm cúng, sum vầy, xen lẫn những tiếng cười, những giọt nước mắt… là những gì diễn ra trong “Ngày hội gia đình phạm nhân” do Ban Giám thị tại Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an) đóng chân trên địa bàn xã Ea Kpam, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) tổ chức vào ngày 20-10 vừa qua.


Tại đây, các phạm nhân gương mẫu, cải tạo tốt được gặp gỡ những người thân của mình và cùng ăn một bữa cơm đoàn viên thân mật…

Đây chính là một cách quan tâm, động viên, thể hiện tinh thần nhân đạo của Đảng, Nhà nước và pháp luật đối với những con người lầm lỡ. Đồng thời cũng giúp họ có động lực phấn đấu, yên tâm chấp hành thời gian cải tạo, nỗ lực lao động để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Niềm vui hội ngộ

Mặc cho những cơn mưa như trút nước từ đêm hôm trước vẫn chưa dứt, ngay từ sáng sớm, trước cổng Trại giam Đắk Tân đã đông nghịt người. Họ là những người cha đã ngoài thất thập, những người bạn, người vợ, người chị tóc vẫn còn xanh hay những đứa trẻ đang còn lẫm chẫm sốt ruột chờ tới giây phút được gặp thân nhân của mình.

Dẫn theo hai đứa cháu vào thăm cậu con trai đang thụ án, bà Quách Thị Ba (62 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp) cho biết: “Bà cháu tôi cách vài tháng lại lên thăm con trai một lần, nhưng chủ yếu chỉ được nhìn mặt và nói chuyện qua điện thoại. Lần này, Ban giám thị cho phép các gia đình gặp trực tiếp phạm nhân nên dù đường sá xa xôi, trời lại mưa to nhưng tôi vẫn cố gắng đưa cả hai đứa cháu nhỏ đi cùng để bố con chúng được bế nhau cho đỡ nhớ”.

Những cái ôm đầy cảm động trong giây phút gặp người thân.

Đúng 8h, cả hội trường khu hành chính bỗng trở nên huyên náo. Người ta tíu tít gọi nhau, những cái vẫy tay, những nụ cười, những gương mặt bỗng trở nên rạng rỡ. Nhìn cậu con trai đang tham gia đội văn nghệ biểu diễn trên sân khấu, ông Phạm Quốc Ngưu (56 tuổi, trú huyện Ea Kar, có con trai đang chấp hành án 17 năm tù về tội “Giết người”) bùi ngùi: 

“Đẻ con ra ai chẳng mong con nên người, nhưng con tôi vi phạm pháp luật thì phải gánh chịu hậu quả chứ biết làm sao. Lần nào lên thăm, gia đình tôi cũng động viên cháu cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, đặc xá của Nhà nước. Có lẽ chính nhờ ý thức được việc đó nên cháu đã rất cố gắng và lần này được Ban giám thị xét cho gặp gia đình. Tôi già rồi, nhưng nó còn trẻ và còn cả cuộc đời dài phía trước. Vì thế lúc nào cũng phải tâm niệm luôn cố gắng để trở về xã hội làm lại từ đầu”.

Nhìn đứa con gái bé nhỏ nằm gọn trong lòng ông ngoại đang nghểnh cổ xem các cô chú phạm nhân biễu diễn trên sân khấu, chị Phan Thị Kim Quy (20 tuổi, trú huyện Krông Pắk, có bố đẻ đang thụ án 20 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) ngậm ngùi nói: “Chỉ thương con bé, ở nhà suốt ngày nhắc và hỏi bao giờ ông ngoại mới về mà tôi chẳng biết phải trả lời thế nào. Giờ trực tiếp được ông ngoại bế trên tay, con bé cứ quấn lấy ông không chịu rời. Nhìn hai ông cháu mà nước mắt tôi cứ tuôn rơi”.

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Nguyễn Công Thìn, Phó giám thị Trại giam cho biết, để phạm nhân phấn đấu, yên tâm cải tạo, ngoài công tác giáo dục chung, Ban giám thị Trại giam Đắk Tân còn thường xuyên gặp gỡ riêng từng phạm nhân để kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng cũng như những vướng mắc trong quá trình thi hành án. Các phân trại cũng thường xuyên nêu gương các điển hình người tốt, việc tốt, các tấm gương của những phạm nhân sau khi hết án có ý chí nghị lực vươn lên. 

“Hàng tháng, các phân trại cũng tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền những quy định mới trong công tác thi hành án, giải đáp những khó khăn vướng mắc, từ đó giúp phạm nhân yên tâm tư tưởng, chấp hành các quy định của pháp luật. Chính nhờ đó mà có nhiều phạm nhân nhận rõ tội lỗi của mình và có sự tiến bộ vượt bậc”, Đại tá Nguyễn Công Thìn cho hay.

Quyết hướng thiện

Là một trong số những phạm nhân thuộc diện phải “quan tâm đặc biệt” của Trại giam Đắk Tân, phạm nhân Cao Ngọc Minh (36 tuổi, trú huyện Ea Súp, Đắk Lắk), đang chấp hành án 9 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” cho biết, do những ngày đầu mới vào trại, cảm giác chán nản bất cần nên hầu như Minh không có sự chuyển biến về ý thức kỷ luật cũng như chấp hành án. 

Thế nhưng sau khi được cán bộ giáo dục, động viên, Minh đã hiểu rõ tội lỗi của bản thân, thực sự ăn năn hối cải và đã rất tích cực tham gia lao động. Đến nay, Minh đã được xét duyệt 3 lần giảm án. Ngày trở về của Minh cũng không còn xa khi chỉ còn hơn 6 tháng nữa là chấp hành xong án phạt.

Tâm sự với chúng tôi, Minh cho biết, tuổi trẻ của Minh là những chuỗi ngày cơ cực. Vốn sinh ra trong một gia đình bần nông tại Phú Thọ, lại có hoàn cảnh khó khăn nên Minh đã phải bỏ học từ nhỏ để kiếm sống. Đầu năm 1996, gia đình Minh chuyển vào sinh sống tại xã Cư Mlan, huyện Ea Súp (Đắk Lắk). 

Sau một thời gian, người bố trụ cột trong gia đình đã bỏ lại mẹ con Minh theo người đàn bà khác. Mẹ già, lại thường xuyên đau ốm do mang bệnh nặng. Minh trở thành trụ cột chính trong gia đình. Rẫy nương canh tác không có là bao, Minh xin vào làm công nhân cho một xưởng gỗ trên địa bàn.

Cũng chính từ đây, Minh sa chân vào con đường buôn bán cái chết trắng. “Những lần đi làm trong xưởng gỗ, thấy đám bạn rủ rê mua ma túy về bán lại kiếm lời có tiền rủng rỉnh nên mình cũng ham. Và trong một lần bị đám bạn xấu lôi kéo, mình đã nhận lời vận chuyển ma túy cho một đối tượng và bị bắt giữ. Giờ vào trại có ăn năn cũng không kịp. Chỉ tội cho mẹ già, hai con nhỏ một mình vợ ở nhà gánh vác”, Minh nói.

Ôm cậu con trai trong lòng, Minh chỉ biết khóc và ân hận vì những tội lỗi của mình đã gây ra cho gia đình bé nhỏ này. “Em sợ lắm rồi, thà sống khổ mà có gia đình, con cái, vợ con bên cạnh anh à. Mỗi lần thấy con với mẹ vượt cả trăm cây số bồng bế nhau lên thăm thì cảm giác tội lỗi lại đè nặng trong lòng em. Giờ được gặp, ôm con như thế này, em phải phấn đấu cải tạo thật tốt để trở về với gia đình, với con cái”, Minh bật khóc nói. 

Câu chuyện của phạm nhân Cao Ngọc Minh chỉ là trong số hàng trăm phạm nhân chấp hành án tốt được Trại giam Đắk Tân tổ chức cho gặp người nhà trong “ngày hội gia đình phạm nhân”. Là một trong những chương trình hướng đến cái nhìn toàn diện hơn, thấu hiểu, cảm thông về những lỗi lầm, xóa bỏ định kiến, chung tay giúp đỡ những con người lỗi lầm sớm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng để trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Chính như những lời chia sẻ của phạm nhân Minh, từ những buổi gặp gỡ này đã tạo cho anh động lực, xóa dần mặc cảm tội lỗi, tìm lại được ý nghĩa cuộc sống mà từ đó phấn đấu chấp hành án tốt hơn.

Văn Thành
.
.
.