87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng

Thứ Ba, 24/11/2015, 17:36
Hội thảo khởi động chiến dịch truyền thông "Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái" do Bộ VHTTDL và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội ngày 24-11.

Đây là hoạt động nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25-11, cũng là ngày bắt đầu chiến dịch toàn cầu 16 ngày chống lại hành vi bạo lực giới.

Theo số liệu Nghiên cứu của Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên Hợp quốc công bố thì có tới 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thứ bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực họ phải chịu đựng. Hiện chưa có số liệu chính xác về quấy rối và lạm dụng tình dục ở Việt Nam, cũng như về bạo lực tình dục, song số liệu từ các nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% đã bị cưỡng ép tình dục; 10% phụ nữ có chồng đã bị bạo lực tình dục từ chồng mình. Tại hội thảo, nhiều ví dụ đau lòng về bạo lực tình dục được các đại biểu đưa ra.

Các đại biểu các ngành bàn về các biện pháp ngăn chặn bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, cho biết thêm: Có tới 87% nạn nhân bạo lực gia đình không tìm đến sự hỗ trợ, do thiếu các dịch vụ có sẵn. Nhiều người sợ hãi không lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và quấy rối nhiều hơn. Khảo sát chỉ ở những phụ nữ kết hôn, song có một thực tế cũng đã được nghiên cứu là nhiều phụ nữ trẻ và chưa kết hôn cũng bị bạo lực và quấy rối tình dục.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Việc ngăn chặn và tiến tới chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái dù ngoài xã hội hay trong gia đình đang là mối quan tâm của các quốc gia, tổ chức trên thế giới. Trên nhiều diễn đàn quốc tế, vấn đề này được các Chính phủ nhìn nhận như một sự vi phạm đối với nhân phẩm con người, là sự vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một trong các quốc gia sớm phê chuẩn Công ước này.

Bà Pratibla Mehta nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi suy nghĩ và thái độ của mọi người về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục. Bạo lực tình dục thường được coi là chủ đề quá nhạy cảm vì xã hội thường có định kiến với nạn nhân bị bạo lực tình dục. Nạn nhân bị đổ lỗi là do sống buông thả nên họ phải giữ im lặng. Cần phải thay đổi quan niệm và phá bỏ sự im lặng này. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới để có thể an toàn trong bất kỳ môi trường nào, tại nhà, nơi làm việc hay nơi công cộng. Không nên coi nam giới là thủ phạm tấn công tình dục mà cần nhìn nhận họ như là đối tác và tác nhân quan trọng tạo nên sự thay đổi. Mô hình nam giới với vai trò tích cực cần phải được xây dựng và khuyến khích để tạo ra sự bình đẳng thực sự trong xã hội.

Trong dịp này sẽ có nhiều hoạt động mang thông điệp “Bạn không đơn độc-hãy đưa bạo lực tình dục ra ánh sáng” được tổ chức ở 11 tỉnh, thành trong cả nước.

Thanh Hằng
.
.
.