Khả năng siêu bão Mangkhut sẽ quần thảo khu vực Bắc bộ Việt Nam là rất lớn
Đến thời điểm này, các mô hình dự báo trên thế giới về siêu bão Mangkhut đều cho rằng, đến 80% khả năng siêu bão này sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam vào tuần tới.
- Siêu bão Mangkhut giật cấp 17 sẽ vào Việt Nam
- Siêu bão Mangkhut di chuyển thần tốc, nhiều nước châu Á "nín thở"
- Bắc bộ từ đêm nay có mưa lớn, siêu bão Mangkhut vẫn giật cấp 17 gần Biển Đông
Thông tin về siêu bão Mangkhut đang hoạt động ngoài vùng biển Thái Bình Dương hiện nay, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, hiện, các mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều chung nhận định khả năng siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam lên đến 70-80%.
Hiện, siêu bão Mangkhut đang ở thời điểm mạnh nhất, sức gió lên đến cấp 16-17. Nhiều khả năng khi đi vào Biển Đông, bão sẽ giảm đi hai cấp và giảm tiếp khi quét qua đảo Hải Nam (Trung Quốc). Lúc đó, bão còn cấp 11-12.
“Cường độ bão giảm nhưng nhưng phạm vi ảnh hưởng lại rất rộng. Nếu bão đi vào phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ, vùng gió mạnh cấp 10 sẽ bao trọn cả vịnh”, ông Hải dự báo.
Siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong vài ngày tới |
Theo đó, trưa hoặc chiều thứ 2 (17-9), siêu bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ và Thanh Hoá, Nghệ An. Khu vực rìa phía nam của bão có thể ảnh hưởng đến cả Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Đáng lo ngại, siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ đúng thời điểm thuỷ triều dâng cao ở mức đỉnh nên nước biển dâng do bão có thể lên 4-6 m, cần hết sức chú ý an toàn đê biển từ Móng Cái đến Nghệ An. Ngoài ra, các vùng đảo, đặc biệt là vùng ở khu Đông Bắc Quảng Ninh, Hải Phòng cần được cảnh báo sớm để có các phương án phòng chống, di dời.
Thông tin thêm về siêu bão này, ông Nguyễn Văn Hưởng (Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia) cho hay, do ảnh hưởng của bão Mangkhut, mưa sẽ dồn dập trong hai ngày 17-18/9 với tổng lượng từ 400 mm.
Hà Nội được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão với gió trung bình cấp 8, tuy nhiên cần lưu ý gió giật. “Với những cây cầu dài như Vĩnh Tuy, Nhật Tân có thể xem xét cấm phương tiện qua lại trên cầu vào thời điểm bão đổ bộ để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Hưởng đề xuất.
Trong khi đó, tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, trước nguy cơ siêu bão Mangkhut đổ bộ vào Việt Nam trong những ngày tới, chiều hôm nay, 14-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ trực tiếp chủ trì phiên họn Ban chỉ đạo để bàn các giải pháp ứng phó khẩn cấp.