Nghị định 100 và chuyện "Dzô 100%"

Thứ Sáu, 05/02/2021, 10:49
Bia, rượu từ lâu đã luôn có mặt trong hầu hết các buổi giao lưu, tiệc tùng, liên hoan và được xem như là một đặc điểm “văn hóa truyền thống” từ lâu đời của người Việt. Trước tiên, dùng thức uống nồng cay này là để giữ lễ nghĩa trong giao tiếp, kế đến là để chung vui, chia buồn, làm nhịp cầu nối kết, gắn bó tình cảm.

Ngày lễ, Tết thì càng đặc biệt hơn, việc cụng ly cùng “dzô 100%” gần như đi đâu cũng gặp. Trước đây, khi hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông còn được xử nhẹ, tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là tai nạn giao thông (TNGT) chết người liên tục xảy ra. Kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (NĐ 100) ra đời, mức phạt nghiêm khắc, nhiều “đệ tử lưu linh” đã tự thay đổi thói quen, hoặc là nói “không” với rượu bia, hoặc nếu có “dzô 100%” thì tuyệt đối không dám cầm lái… 

Đất đai nhiều, Ba Nhân (ngụ phường Long Phước, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) xây mấy chục căn phòng trọ cho thuê rồi… ngồi không, chờ cuối tháng thu tiền. Ngày thường, Ba Nhân hay la cà nhậu nhẹt với bạn bè. Nhiều hôm, xách xe đi từ sáng, có khi đến tối mịt, Ba Nhân mới về. Không ít lần vì say, té xe, nặng nhất là lần gãy chân phải bó bột cả tháng ròng. Vậy nhưng vợ kêu bỏ rượu, Ba Nhân cười khà khà, nói vui: “Bỏ vợ có khi còn dễ hơn. Tui biết nó trước khi cưới bà”. Khi Nghị định 100 ra đời, Ba Nhân là người kêu trời đầu tiên bởi “phạt gì mà nhiều hơn giá chiếc xe”.

CSGT Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

“Bỏ hẳn thì chưa được, tiệc tùng, bạn bè thì hầu như tuần nào cũng có, thôi thì giờ cứ gọi xe ôm, bắt grab”, Ba Nhân tự trấn an. Nhưng có hôm, nhậu ở nhà bạn khu vực nửa quê, nửa thị, lại lúc nửa đêm thì quá khó để gọi xe ôm. Vậy là Ba Nhân… bấm bụng gọi vợ chở về. 

“Được một lần, ăn quen lần hai, lần ba, bà nhà tui quạu, tui phải xuống nước năn nỉ. Tui nói nếu mẹ mày không ráng giúp, tui tự đi, xui xẻo thì mẹ mày “mồ côi” chồng. Nói vậy thôi mà tui thấy bà xã im re. Ít ngày sau, khi tui lấy xe ra chuẩn bị đi tiệc, bả liền leo lên xe ngồi. Tui mừng như bắt được vàng…”, Ba Nhân hồ hởi kể. Từ ngày được chị Ba đưa đón mỗi khi đi nhậu, anh Ba Nhân an tâm “dzô 100%”. Lúc tàn tiệc chỉ cần “a lô” là không bao lâu sau chị Ba có mặt. “Tết này tui khỏe rồi, có bà xã chở đi chúc Tết. Bởi vậy giờ tui cảm ơn Chính phủ lắm đó nhe. Nếu không có NĐ 100 này dễ gì vợ tui chịu chở tui đi nhậu”, anh Ba Nhân nói như khoe.

Thực tế cách của Ba Nhân cũng đang được cánh mày râu “vận dụng” đại trà. Không phải chỉ vợ, con, “đối tượng nhờ cậy” còn được mở rộng ra đến cả hàng xóm. Những gia đình có ôtô, các ông chồng khuyến khích vợ, con đi học lái xe để khi có “cơ hội”, làm tài xế phục vụ người nhà.

Rảo quanh các nhà hàng, quán nhậu tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, từ khi có NĐ 100 đến nay, chúng tôi nhận thấy trong bàn tiệc thường có cả nam lẫn nữ so với trước (chỉ có đàn ông). Lứa tuổi thanh niên, khu vực thành thị nhiều người chọn giải pháp đi xe công nghệ, taxi hoặc đi cùng với người không uống rượu. Tuy nhiên vẫn còn không ít người tự lái xe đi nhậu nhưng hầu hết là ở cự ly gần, còn xa hầu như đi xe dịch vụ. Giờ khi đi tiệc cưới, liên quan, sinh nhật… mà ai đó nói “tự lái xe” đi, về được xem là “liều mạng”, là “thiếu sáng suốt”, “thiếu văn minh”… 

“Giờ xe công nghệ, taxi đầy đường, giá cả cũng phải chăng nên giải pháp an toàn nhất khi đi tiệc tùng, nhậu nhẹt là không tự lái xe đi vừa vi phạm Luật Giao thông vừa không an toàn. Còn trong trường hợp tự lái xe thì tôi mạnh dạn khước từ việc uống rượu, bia. Trước đây chuyện này khó như… lên trời. Giờ với lý do chính đáng này, chẳng  ai dám ép cả. Mà giờ ép là coi chừng bị phạt nữa đấy”, anh Hiển, ngụ quận Bình Thạnh cho biết.

Cũng tụ tập lai rai hàn huyên tâm sự chuyện gia đình, chuyện công việc nhưng nhóm bạn trẻ ở quận 10 chọn giải pháp an toàn nhưng không phải làm phiền người khác. “Anh em chúng tôi, tụ tập gặp nhau chủ yếu là để ăn uống, tán gẫu, mà nếu uống trà đá thì kỳ, nên chuyển sang bia không… cồn là hợp lý nhất. Một hai hay chục lon cũng chẳng sao. Quan trọng là tiệc đấy cũng gọi là…nhậu!”, anh Bình - một thành viên của nhóm này chia sẻ. Hôm trước, nhà có đám giỗ, anh mạnh dạn đãi bia không cồn. 

“Mới đầu tưởng không vui. Nhưng biết là uống rồi vẫn vô tư cầm lái,  già trẻ, lớn nhỏ, gái trai ai cũng… dzô 100%, không khí tiệc vui hẳn lên. Tết này chúng tôi mang bia theo trong cốp xe, chẳng lo nghĩ nhiều đến chuyện bị mấy anh CSGT tuýt còi nữa”, anh Bình tiết lộ.

Hệ lụy từ bia, rượu trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội là không còn gì bàn cãi. Đối với sức khỏe, chất cồn (ethanol) từ rượu bia gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh như xơ gan, ung thư, bệnh lý tim mạch, rối loạn tâm thần,... ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần. Rượu, bia cũng là nguyên nhân gây mất ANTT, đặc biệt là TNGT. Nhiều gia đình lâm vào cảnh con mất cha, vợ mất chồng, bạn bè hết tình hết nghĩa…

Một cuộc khảo sát vào năm 2019 về tình hình TNGT tại 3 địa phương là Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội của Ủy ban ATGT  quốc gia cho thấy, 80% - 90% vụ TNGT mà nam giới gây ra xuất phát từ việc uống rượu, bia rồi lái xe. Thời gian xảy ra tai nạn thường từ 18h đến 24h và cao hơn vào các ngày cuối tuần, phương tiện xảy ra tai nạn chủ yếu là xe máy (70-90% số vụ); tỉ lệ thực khách tự lái xe sau khi uống rượu - bia tại các nhà hàng, quán nhậu chiếm 68%, trong số đó có 40% say xỉn và vi phạm Luật giao thông.

Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 được ban hành, kèm theo mức xử phạt cao có hiệu lực cách nay tròn năm như thức tỉnh cách nhìn nhận về thói quen rượu, bia của “dân nhậu”. Đáng mừng là sự thay đổi đang diễn ra theo chiều hướng rất tích cực nhưng vẫn đảm bảo được truyền thống “vô tửu bất thành lễ”, đảm bảo ATGT.

Trước thềm năm mới Tân Sửu, trò chuyện với PV Báo CAND, Trung tá Nguyễn Đình Dương-Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin vui, nhờ thực hiện tốt NĐ 100 mà số vụ TNGT trong năm 2020 vừa qua đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2019. “Theo hướng tích cực như hiện nay, hy vọng trong tương lai, số vụ TNGT sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán”, Trung tá Nguyễn Đình Dương nói.

Giữ nét truyền thống tốt đẹp, chẳng ai cấm uống rượu, bia. Tuy nhiên, từ rất lâu rồi, ông bà vẫn hay căn dặn cháu con: Uống rượu, bia nhiều thì vui ít và uống rượu, bia ít thì vui nhiều. Lời khuyên dạy đó giờ thật sự có ý nghĩa.

Ngày Tết, hãy nhớ giữ cho mình, giữ cho người khác, cho cộng đồng, giữ cho không khí vui tươi luôn được trọn vẹn, vĩnh cửu thì nhớ đừng để ai quá đà vì rượu, bia…

Theo thống kê được công bố trong năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia với khoảng 3-4 tỷ lít bia mỗi năm. Do đó, để người dân bỏ hẳn thói quen sử dụng rượu, bia vốn đã thành văn hóa thì cần thời gian thay đổi, chứ không thể chỉ “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, để những ngày lễ, Tết, những buổi tiệc tùng vẫn “dzô 100%” mà không vi phạm NĐ 100, mọi người phải nghiêm túc thực hiện khẩu hiệu “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Phương Tuyền
.
.
.