Chuyện người quản lý

Doanh nghiệp vẫn vướng nhiều lực cản

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:28
Báo cáo về kết quả thực hiện triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015 cho thấy đã có sự cải thiện tích cực trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng nhờ những nỗ lực kiên quyết của Chính phủ và các bộ ngành địa phương.

Với những nỗ lực này, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện khá tích cực và được cộng đồng DN ghi nhận, góp phần nâng cao thứ hạng trong xếp hạng môi trường cạnh tranh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm nay.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, thứ hạng của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Có 5 chỉ số cải thiện thứ bậc xếp hạng gồm khởi sự doanh nghiệp (tăng 7 bậc); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc); nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 4 bậc); giải quyết phá sản doanh nghiệp (tăng 2 bậc). Các thay đổi được Ngân hàng Thế giới ghi nhận và đánh giá mới tính đến thời điểm 31-5-2015, trước khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, do đó, các thay đổi từ việc ban hành và thực thi các Luật này chưa được ghi nhận và dự kiến sẽ được tính trong xếp hạng năm 2016, theo đó sẽ giúp tăng xếp hạng các chỉ số này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, vẫn còn 5 lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc trong xếp hạng năm nay. Đó là: thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày; thủ tục đăng ký sở hữu tài sản tăng lên, điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư chưa cải thiện do chưa tính hiệu lực thực thi của Luật Doanh nghiệp; chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới giảm bậc xếp hạng liên tiếp trong 2 năm gần đây do vấn đề quản lý chuyên ngành còn nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng...

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, về cơ bản những lĩnh vực có sự cải thiện về thứ hạng chủ yếu do các Bộ, cơ quan liên quan đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 theo đúng mục tiêu và yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách và sự khác biệt lớn trong hiệu quả và ý thức triển khai thực hiện giữa các Bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh những Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu, vẫn còn một số đơn vị cơ quan nhà nước, địa phương triển khai thực hiện còn mang nặng tính hình thức, chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đặt ra. Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều chỉ số đề ra trong Nghị quyết 19 năm 2015 chưa đạt được yêu cầu, thậm chí còn tụt hạng.

Trong khi đó, nhiều ý kiến đề xuất cần nghiêm túc xem xét gốc rễ của nguyên nhân dẫn tới các chỉ tiêu chưa có sự cải thiện và tụt hạng, từ đó có giải pháp thực sự hiệu quả để khắc phục và chuyển biến. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần tiếp tục tập trung giải quyết, đặc biệt đối với các chỉ số chưa có sự cải thiện hoặc tụt hạng, cần tập trung làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục, đồng thời phải chỉ rõ được trách nhiệm của người chưa thực hiện.

Đặc biệt, cần nghiêm túc xem xét đảm bảo việc thực thi đồng bộ các chính sách của Chính phủ ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở các cấp trực tiếp thực hiện triển khai.

“Cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp để các chính sách của Chính phủ được thực thi tốt, vì chính sách dù có tốt đến mấy nhưng không được thực thi ở cấp dưới thì sẽ không mang lại ích lợi gì”,  Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phan Đức
.
.
.