Doanh nghiệp nội gồng mình cạnh tranh với doanh nghiệp FDI

Thứ Hai, 14/12/2015, 09:02
Kể từ khi chính thức gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã “bùng nổ” làn sóng đầu từ ồ ạt từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI), nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ. Cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI đã bắt đầu tăng tốc...


Nếu so với doanh nghiệp trong nước thì doanh nghiệp FDI đã có bước chuẩn bị từ rất sớm để “đi tắt, đón đầu” cơ hội mà các doanh nghiệp sẽ được hưởng khi đầu tư tại Việt Nam.

Từ ngày 1-1-2009, theo cam kết lộ trình gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài đã được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam, đã có nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài đã đến đầu tư và mở rộng thị phần tại Việt Nam. Trong hai năm 2014-2015, Việt Nam hoàn tất đàm phán và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do như EU-VN, ASEAN, TPP, hàng rào thuế quan hầu như được dỡ bỏ và thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ về 0.

“Đón đầu” cơ hội này, bên cạnh các doanh nghiệp lớn FDI đã “cắm rễ” tại Việt Nam như BigC, Parkson, …thì gần đây, Việt Nam lại tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư ồ ạt của các hệ thống siêu thị ngoại khác như AEON - nhà bán lẻ lâu đời tại Nhật Bản vào thị trường Việt Nam mở Trung tâm mua sắm Aeon - Tân Phú Celadon tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm mua sắm Aeon - Bình Dương Canary tại Bình Dương. Tập đoàn này dự kiến tới năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Saigon Co.op liên tục mở rộng thêm hệ thống bán lẻ để cạnh tranh với đối thủ FDI.

Cũng “làm mưa làm gió” trong lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn Hàn Quốc Lotte Mart hiện nay đã mở 11 siêu thị tại Việt Nam, mục tiêu đến năm 2020, Lotte Mart sẽ mở khoảng 60 siêu thị ở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc. Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) mới đây đã ký kết hợp tác chiến lược với một doanh nghiệp trong nước để mở chuỗi siêu thị Simply Mart tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, với các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, sản phẩm của họ kiên trì tìm đến người tiêu dùng Việt Nam thông qua các kênh triển lãm, hội chợ và hiện đang có mặt tại từng ngóc ngách của thị trường Việt.

Các DN trong nước đã phải “chạy nước rút” để vào cuộc cạnh tranh với các đối thủ mạnh FDI tại “sân nhà”. Tập đoàn Vingroup mua lại 100% cổ phần của hệ thống siêu thị Maximark, Vinatexmart và Oceanmart, trở thành nhà bán lẻ lớn với hàng trăm siêu thị phủ khắp cả nước. Saigon Co.op, thương hiệu bán lẻ lớn nhất Việt Namcó kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 siêu thị Co.opmart, 5 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, nâng số lượng điểm bán lên 81 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 100 cửa hàng thực phẩm Co.opFood và gần 200 cửa hàng Co.op. 

Có thể thấy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư có bài bản, có hệ thống của các thương hiệu Việt trên đã tạo sự tự tin khi doanh nghiệp cạnh tranh với các đối thủ ngoại. Tuy nhiên, tiếc rằng đến thời điểm hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt sẵn sàng tinh thần để “đọ sức” với các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam không nhiều.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tại Việt Nam hiện có hơn 700 siêu thị, trung tâm thương mại (trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 40%). Đến năm 2020, có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Hiện nay, gần như tất cả các phân khúc của bán lẻ hiện đại Việt Nam đều có sự hiện diện của các hãng nước ngoài.

Các chuyên gia lo ngại “làn sóng” FDI tràn vào thị trường nội địa trong khi các doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh thì các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ bị “chết” trước tiên. Bởi, khi các doanh nghiệp FDI nắm quyền quản lý thì hàng hóa nhập khẩu hoặc các nhãn hàng riêng của họ cũng sẽ vào theo hệ thống phân phối hiện đại, hàng Việt bị đẩy dần ra khỏi hệ thống. 

Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho biết, trước đây cũng đã từng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt là không nên coi thường thị trường bán lẻ, bởi Việt Nam với hơn 90 triệu dân thì sức tiêu dùng sẽ rất lớn và tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn còn khá thờ ơ. Còn với thực tế hiện nay, khi các nhà bán lẻ trong nước còn yếu, muốn “sống” thì doanh nghiệp cần phải liên kết, liên doanh vì đây là cách để doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm, học hỏi việc chuyển giao công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực... để có thể tự khẳng định mình.

T.Hà
.
.
.