Chỉ 1% doanh nghiệp nông nghiệp có đầu tư công nghệ cao vào sản xuất

Thứ Hai, 07/12/2015, 09:04
Khi gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam có khoảng 1.200 - 1.300 mặt hàng sẽ bị tác động. 


Theo đó, cơ hội lớn mà ngành nông nghiệp sẽ được đón nhận là tránh được những rủi ro khi không còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống; hưởng lợi từ những cam kết miễn, giảm thuế; thu hút đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, hiện số lượng doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất chỉ mới chiếm khoảng 1% trong tổng số doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. 

Trong khi đó, phần lớn còn lại là các nông hộ sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, xuất khẩu nông sản thô. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rào cản về kỹ thuật, chất lượng, bảo hộ sản phẩm trong nước từ các nước TPP... Đó chính là thách thức lớn nhất đang chực chờ phía trước, khi doanh nghiệp bước vào “sân chơi” chung TPP.

Ông Từ Minh Thiện - Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao cho rằng: “Thị trường tiêu thụ đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu như: giá sản phẩm phải cạnh tranh, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguồn hàng tốt để đảm bảo cung ứng thường xuyên, có khả năng cung ứng số lượng lớn và đúng thời hạn. Để đáp ứng được các yêu cầu này, chỉ có cách là doanh nghiệp phải đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là cách để nông sản Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng của thế giới”.

Hiện các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Hòa Phát…, đã xây dựng được hệ thống bán lẻ nên ngoài việc chủ động được nguồn hàng để cung ứng khi nhu cầu thị trường cần thì các doanh nghiệp này cũng đã giảm được nhiều khâu trung gian. Những yếu tố đó đã giúp doanh nghiệp tăng được sức cạnh tranh trên thị trường. Do chuẩn bị từ rất sớm và đầu tư bài bản nên các doanh nghiệp này sẽ không ngần ngại khi cạnh tranh với hàng ngoại trên cùng một “sân” chung TPP.

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hầu hết doanh nghiệp ngành nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên rất yếu vốn. Vì vậy, để vực dậy các doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp về vốn, hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ và đặc biệt là tạo quỹ đất để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. 

Tại hội thảo "TPP và ngành nông nghiệp” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Nestor Cherbey - Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cũng khuyên các doanh nghiệp: Để vượt qua các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản, nhà xuất khẩu nông nghiệp nên nghiên cứu thị trường xuất khẩu nước ngoài để xác định tiềm năng, thị trường tốt nhất đối với hàng hóa của mình. Việc nghiên cứu các tiêu chuẩn phải cụ thể cho từng thị trường mục tiêu với từng ngành hàng cụ thể.

T.Hà
.
.
.