Doanh nghiệp vẫn khó khăn và “khát” lao động

Thứ Hai, 06/12/2021, 09:32

Theo Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp.

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực. Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sản xuất đã khôi phục trở lại. Các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết. Đáng chú ý, Bộ Công Thương thông tin hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2021 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó.

1_18.jpeg -0
Những tháng cuối năm, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và thiếu lao động.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước trong tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tại một số địa phương, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó, điển hình như: IIP tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên-Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.

Theo ông Vũ Minh Giang, quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, kinh tế tỉnh Bắc Ninh tháng 11/2021 vẫn có những điểm sáng, đó là: Tín hiệu tích cực của ngành công nghiệp đã tăng cao trở lại; cùng với xuất, nhập khẩu cũng đạt mức tăng cao tương ứng; các ngành dịch vụ dần ổn định. Dự kiến trong năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ước tăng 6,08% so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; xuất khẩu hàng hóa tăng 18,7%; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất tăng 5,4%; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch bệnh triển khai khẩn trương tích cực; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Những kết quả này sẽ khích lệ, tạo động lực phát triển cho năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), tỷ lệ lao động quay trở lại doanh nghiệp hiện đạt tương đối cao. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ và doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt mức 80-90%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện tử, dệt may đang gặp khó khăn nhất về tuyển dụng lao động do nguồn vốn ít và phải cạnh tranh nhau, đặc biệt là doanh nghiệp ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Đây cũng là những ngành hàng có nhiều đơn hàng dịp cuối năm nhất nên vấn đề lao động đang rất cấp thiết với doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành thống nhất đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất; Bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội...

Lưu Hiệp
.
.
.