TPP không yêu cầu doanh nghiệp nhà nước công khai mọi giao dịch

Chủ Nhật, 18/10/2015, 07:33
Mặc dù chưa thể công bố chi tiết các nội dung cụ thể cam kết, theo nguyên tắc bảo mật của các thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho đến khi Hiệp định được chính thức ký kết và đồng loạt công bố, song cùng với các nội dung về mở cửa dịch vụ và đầu tư, cắt giảm thuế nhập khẩu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, mua sắm công thì những cam kết về dịch vụ tài chính, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giao dịch vốn cũng đang là những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp (DN) và dư luận xã hội nói chung tại TPP.

Theo quy định tại chương dịch vụ tài chính, các thành viên TPP cũng đưa ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của quy trình hoạch định chính sách để giải quyết việc đưa ra các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Thêm vào đó, Hiệp định TPP bao gồm các cam kết cụ thể về quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và chuyển thông tin để xử lý dữ liệu. Hiệp định cũng bao gồm các quy định cụ thể về tranh chấp đầu tư liên quan tới tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế, cũng như các quy định liên quan tới các chuyên gia dịch vụ tài chính trong ban trọng tài và cơ chế trình tự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ khác của chương.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, các nội dung cam kết về dịch vụ tài chính của TPP góp phần mang lại nhiều cơ hội mở cửa thị trường đầu tư quan trọng và hướng tới các biện pháp thúc đẩy ổn định, toàn vẹn hệ thống thị trường tài chính của các thành viên. Các quy định này cũng đảm bảo rằng các thành viên TPP duy trì quyền quản lý đầy đủ đối với các tổ chức và thị trường tài chính, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.

Trong khi đó, về vấn đề giao dịch vốn, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam về TPP, Hiệp định TPP không đề cập trực tiếp mà chỉ nêu một phần về giao dịch vốn tại chương đầu tư nước ngoài, về cơ bản là tương đương với các hiệp định khác mà Việt Nam đã tham gia. Đối với giao dịch vãng lai, cam kết WTO đã có các quy định, đó là Nhà nước không cản trở các dòng tiền thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ, và về cơ bản khi TPP có hiệu lực thì vẫn duy trì cam kết như trong WTO. Tương tự, về chuyển tiền, thanh toán vãng lai tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của NHNN và chắc chắn là không có thay đổi so với hiện nay.

Liên quan nội dung đàm phán về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và điều chỉnh hoạt động DNNN cũng có nhiều điểm rất đáng quan tâm. Theo Bộ Công thương, các nghĩa vụ chính của TPP về DNNN bao gồm các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; DNNN không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố. Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Theo cam kết, các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với các DNNN mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định. Liên quan nội dung đàm phán này, Thứ trưởng Khánh cho biết Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các DN có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các DNNN nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP.

Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của DN. Về thông tin cho rằng TPP có yêu cầu DNNN công khai tài chính và các giao dịch, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định đây là thông tin không chính xác. “Không ai bắt các DNNN, NH có vốn NN công khai mọi giao dịch của mình, chỉ khi nào nhận thấy có biểu hiện cho thấy rằng đang có sự hỗ trợ của nhà nước một cách quá mức gây tác động tiêu cực tới thương mại và đầu tư giữa các bên, tức là phải có lý do chính đáng thì lúc đó mới có quyền yêu cầu và yêu cầu là giữa Chính phủ với nhau chứ không phải là bắt các DN, còn những gì thuộc về bí mật kinh doanh độc quyền thì không được can thiệp, thông tin công bố là những báo cáo tài chính kiểm toán đã được phép công bố công khai”, ông Khánh cho biết.

Phan Đức
.
.
.