Yêu cầu rà soát trên toàn quốc sản phẩm pate Minh Chay
- Thêm nhiều bệnh nhân ăn thực phẩm Minh Chay tới Bệnh viện Bạch Mai khám
- Cục An toàn thực phẩm nói gì trước thông tin chậm thu hồi thực phẩm Minh Chay
- Một bệnh nhân rất nguy kịch do ăn Pate Minh Chay
Khẩn trương thu hồi các sản phẩm có liên quan
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết, liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay được phát hiện có đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B, là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử gây ra độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum với độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong, chiều 31/8, Nafiqad đã có công văn yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh và các địa phương trên toàn quốc.
Theo đó, Nafiqad yêu cầu Sở NN&PTNT các địa phương phối hợp với Chi cục An toàn thực phẩm thực hiện về việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm liên quan đến phát hiện sản phẩm pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum được sản xuất bởi Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới có trụ sở tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, Nafiqad yêu cầu sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo Chi cục Quản lý nông lâm sản và thủy sản chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản theo phân công, phân cấp của Bộ NN&PTNT; chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương điều tra, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.
Nafiqad cũng yêu cầu Sở NN&PTNT TP Hà Nội chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và trong phạm vi chức năng, phạm vi quản lý được phân công khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm (chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm…); Kết quả điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố của Công ty TNHH Hai thành viên viên Lối Sống Mới và xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Trước đó, Bộ Y tế thông báo, trong thời gian qua (từ ngày 13/7 đến ngày 18/8) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh (2 ca) từ một số tỉnh/TP trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng.
Tiếp đó, từ ngày 20/8, các cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thông báo trực tiếp cho khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm “pate Minh Chay”, niêm phong và bảo quản ở khu vực riêng biệt.
Đã có 9 người phải nhập viện điều trị do nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum từ pate Minh Chay. |
Chiều 1/9, Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố tổ chức họp báo về vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay.
Theo Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, đến nay mới chỉ riêng sản phẩm pate Minh Chay đã có 1.290 người trên địa bàn thành phố mua 1.559 sản phẩm. Đến ngày 1/9, Ban quản lý ATTP đã liên hệ được 1.101 người, còn 122 người chưa liên hệ được. Mới thu được 103 sản phẩm (chưa đến 10% số hàng hoá trên tại địa bàn thành phố). Qua kiểm tra, sản phẩm này không thấy phân phối qua các siêu thị, mà chủ yếu của bán online.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh một số người hợp tác rất tốt, ngay khi có thông báo, đã đem đến tận Ban quản lý ATTP hoặc các đội ở địa bàn để giao nộp lại những sản phẩm đã mua, nhưng cũng có một số người không hợp tác, nên việc thu hồi gặp nhiều khó khăn. Đến nay, số lượng thu hồi sản phẩm Minh Chay được rất ít, nhiều người không hợp tác, khi được hỏi thì nói rằng đã mua nhưng không biết có ăn hay chưa, một số mua tặng, mua bán lại nhưng không biết đã tặng ai, bán cho ai.
Ban quản lý ATTP cho biết, có một trường hợp ở quận 5 (TP Hồ Chí Minh) mua 3 hộp pate Minh Chay, đã ăn 1 hộp và tặng sư cô ở Bà Rịa - Vũng Tàu 2 hộp, Ban đã thông báo cho cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo cho sư cô biết để thu hồi sản phẩm.
Một số phóng viên đặt câu hỏi, việc có nhiều cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm cao nhất? Bà Lan cho biết, tại TP Hồ Chí Minh, về trách nhiệm, Ban quản lý ATTP được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực này nên Ban chịu trách nhiệm. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ban lập tức vào cuộc phối hợp với các các ngành chức năng như quản lý thị trường (Sở Công thương), Công an thành phố, chính quyền địa phương… liên hệ với những người đã mua sản phẩm để thu hồi sản phẩm.
Tại TP Hồ Chí Minh, việc đăng ký an toàn thực phẩm, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký tại Ban Quản lý ATTP, sau đó cơ quan chức năng sẽ tổ chức hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp không đăng ký chất lượng sản phẩm hoặc đăng ký nhưng chất lượng không đúng sẽ bị phạt rất nặng.
Chuyển cơ quan điều tra vụ thực phẩm Minh Chay khi có dấu hiệu hình sự
Từ 9 người ban đầu bị ngộ độc pate Minh Chay phải nhập viện cấp cứu, trong đó phần lớn phải thở máy thì tới ngày 1/9, đã có thêm nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, Cục đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị tiếp tục kiểm tra, xác minh vi phạm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra khi có dấu hiệu hình sự theo quy định.
Chiều 31/8, Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận thêm 1 nam bệnh nhân ở Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, nâng tổng số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện này lên 6 trường hợp là ca bệnh thứ 8 tại TP Hồ Chí Minh. Nam bệnh nhân vừa nhập viện 54 tuổi, ngày 25/8 ăn nhiều thực phẩm pate Minh Chay. Đến khoảng 23h ngày 26/8, ông có biểu hiện nôn, nói khó, nuốt khó, sụp mi nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bà Rịa điều trị.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhược cơ. Sau đó, tình trạng bệnh tiếp tục nặng thêm, bệnh nhân bị yếu tứ chi, sụp mi hoàn toàn, khó thở và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 27/8. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn và phát hiện bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum như yếu liệt tứ chi, nói khó, sụp mí… giống như 5 bệnh nhân nhập viện trước đó.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh nhưng tình trạng liệt hoàn toàn vẫn chưa cải thiện, phải thở máy. Ngày 31/8, bệnh nhân được lọc máu và duy trì để không xảy ra những biến chứng do độc tố gây ra. 5 ca bệnh bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay đã điều trị trước đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đến thời điểm này sau 1 tháng điều trị, các bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục, chưa có những biến chứng đáng tiếc nào xảy ra.
Thông tin vào ngày 1/9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, ngày 19/8, ngay sau khi Cục nhận được điện thoại của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông báo có hai vợ chồng bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm ngày 18/8 từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương và được Trung tâm Chống độc chẩn đoán ban đầu "Theo dõi ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Botulinum" do sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, Cục đã có công văn hỏa tốc đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin.
Ngày 20/8, đoàn kiểm tra của Chi Cục ATVSTP TP Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới tại Đông Anh, Hà Nội và ghi nhận: Đây là cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội) quản lý và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 3/1/2020.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra Công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: Vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước,… đoàn kiểm tra đã giao Phòng Y tế huyện Đông Anh đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty, yêu cầu khắc phục điều kiện vệ sinh, đồng thời đoàn kiểm tra lấy mẫu sản phẩm tại công ty gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP phẩm quốc gia xét nghiệm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Tới ngày 29/8, Cục ban hành Công văn số 1996/ATTP-NĐTT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị tiếp tục kiểm tra, xác minh vi phạm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra khi có dấu hiệu hình sự theo quy định.
Trước thông tin Cục ATTP chậm cảnh báo và thu hồi sản phẩm Minh Chay, lãnh đạo Cục ATTP khẳng định, từ khi tiếp nhận thông tin vụ việc,với quan điểm sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, đơn vị đã xử lý vụ việc với tinh thần trách nhiệm cao, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Việc các cơ quan quản lý cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, nhưng công tác hậu kiểm tại các nơi đã được cấp phép chưa được thường xuyên, đây là một trong những yếu tố dẫn tới một số mất vệ sinh an toàn trong sản xuất, chế biến. Điển hình là vụ việc pate Minh Chay, khi kiểm tra mới thấy nhà xưởng, dụng cụ sản xuất của Công ty này không đảm bảo, trong khi vi khuẩn Clostridium Botulinum phần lớn lại có trong đất.
Về khía cạnh pháp luật, vụ việc pate Minh Chay được phát hiện chứa độc tố, gây ra nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng, theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm– Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trên cơ sở các luật ATTP, Luật Dân sự, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đã có căn cứ chứng minh sản phẩm có yếu tố lỗi, kém chất lượng gây ảnh hưởng người tiêu dùng.
Người tiêu dùng có quyền yêu cầu Công ty bồi thường chi phí như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở).
Ngoài ra, theo LS Tú, tổ chức, cá nhân gây ngộ độc còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi sẽ được cơ quan nhà nước làm rõ như nguy cơ đến từ đâu, tắc trách ở khâu vận chuyển, sản xuất hay từ nguồn nguy liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Hai bệnh nhân ở Khánh Hòa bị ngộ độc pate Minh Chay Sau 6 ngày tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa sau khi trở về từ Bệnh viện Chợ Rẫy – TP Hồ Chí Minh, đến chiều 1/9, vợ chồng chị N.Đ.H.A, trú ở TP Nha Trang – bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay đã có dấu hiệu tỉnh táo, nhận biết tốt, nhưng do bị liệt cơ hô hấp chưa tự thở được nên hai người đều phải thở bằng máy và ăn uống qua đường ống sonde dạ dày. Theo bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa), các bác sĩ vẫn đang nỗ lực điều trị hỗ trợ, đồng thời luyện tập cho bệnh nhân cai máy ngắt quãng. Ngoài ra, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi 5 tháng tuổi trong bụng chị N.Đ.H.A ổn định, tim thai đều. Trước đó vào ngày 6/7, vợ chồng chị N.Đ.H.A đặt mua pate Minh Chay trên mạng, đến trưa 19/7 họ mở ra ăn bánh mì, thế nhưng liên tiếp hai ngày sau đó cả hai vợ chồng lâm vào tình trạng buồn nôn, nuốt khó, sụp mi mắt. Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, vợ chồng chị A chuyển tiếp vào Bệnh viện Chợ Rẫy – TP Hồ Chí Minh khi mi mắt đã sụp hẳn, nói khó, nuốt khó, tứ chi yếu dần. Những ngày sau đó tình trạng khó thở tăng dần, bệnh nhân suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy. Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán cả hai bệnh nhân đều ngộ độc botulinum, nghi ngờ do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn. Hữu Toàn |