Doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Thứ Ba, 19/04/2016, 08:55
Tính đến hết tháng 3 năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 38,77 tỷ USD tăng 6,6% tương ứng tăng 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng rất thấp so với thông lệ và càng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân là 10% như đã được thông qua.


Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu tăng thấp là do phần lớn thị trường nhập khẩu truyền thống của hàng Việt Nam đều suy giảm sức mua do khó khăn kinh tế, tiết giảm nhu cầu tiêu dùng.

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3-2016 đạt 8,07 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 1,01 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 3-2016. Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 3-2016 tăng so với kỳ 1 tháng 3-2016 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại và linh kiện tăng 133 triệu USD; hàng dệt may tăng 111 triệu USD; dầu thô tăng 101 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 97; giày dép các loại tăng 81 triệu USD; hàng thủy sản tăng 55 triệu USD; sắt thép các loại tăng 37 triệu USD… 

Tuy nhiên, xét về ngành hàng, gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đang đứng trước nguy cơ gặp khó khăn, bởi phải đối diện với sự sụt giảm về sản lượng dưới ảnh hưởng của nạn hạn hán, xâm nhập mặn trên diện tích khoảng 170 nghìn hécta. Hậu quả là sản lượng gạo thành phẩm dự báo cũng giảm 500-700 nghìn tấn. 

Doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân xuất nhập khẩu của cả nước.

Dự báo, sản lượng gạo cả năm 2016 có thể giảm 1 triệu tấn so với ước tính ban đầu theo điều kiện bình thường, không có thiên tai. Tính chung, lượng gạo xuất khẩu quý I đạt gần 1,6 triệu tấn, thu về 692 triệu USD, tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng, đây là hoạt động xuất khẩu dựa trên các hợp đồng đã ký từ năm ngoái và sử dụng gạo thu mua, tồn trữ từ trước. Ngược lại, lượng gạo xuất khẩu qua đường tiểu ngạch giảm gần 50% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, dầu thô xuất khẩu giảm 52% do diễn biến bất lợi, kéo dài của thị trường nhiên liệu thế giới. Đây là sự thiếu hụt lớn đối với ngân sách, đe dọa tới khả năng tạo nguồn cung ngoại tệ cũng như khả năng tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm nay. Ngoài ra, sắt thép và sản phẩm sắt cũng giảm 17-25% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu quý I diễn ra trái ngược với thông lệ của nền kinh tế, tức là suy giảm thay vì tăng lên. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 37,4 tỷ USD, giảm 4% (tương ứng giảm 1,58 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. 

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị đã giảm 14%; chất dẻo, các loại nguyên phụ liệu và nhất là xăng dầu giảm mạnh (giảm 36%) cho thấy sự giảm tốc của một số ngành sản xuất quan trọng và nhu cầu lưu thông hàng hóa. 

Xét về bản chất, cần lưu ý là một nền kinh tế trong giai đoạn đang phát triển như Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì giá trị nhập khẩu thường cao hơn xuất khẩu để phục vụ sự gia tăng của sản xuất trong nước; nhất là tìm đầu vào cho các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho DN. Vì vậy, sự giảm sút nhập khẩu không phải là yếu tố tích cực đối với nền kinh tế.

Nguyên nhân chính vẫn là sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất của nhiều ngành, khiến nhu cầu nhập nguyên liệu của DN không thể gia tăng. Bên cạnh đó, mức tồn kho của sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7% so với cùng kỳ, cũng là một biểu hiện không mấy sáng sủa của cộng đồng DN hiện tại. Các loại sản phẩm có mức tồn kho cao nhất gồm sản phẩm điện tử, máy tính, đồ uống, xe có động cơ… 

Đây cũng là một yếu tố giải thích cho việc đã có hơn 20 nghìn DN ngừng hoạt động trong quý I vừa qua trước hàng loạt khó khăn, bất lợi.

Phan Đức
.
.
.