Vinamilk và hành trình toàn cầu hoá thương hiệu

Thứ Hai, 15/08/2016, 16:05
Bằng việc góp vốn, mua cổ phần của các hãng sữa ngoại, Vinamilk từng bước hiện thực hóa mục tiêu toàn cầu hoá thương hiệu, đưa sản phẩm tới nhiều châu lục.

 

Từ một đơn vị kinh doanh èo uột khi mới thành lập, có lúc thua lỗ, rơi vào khủng hoảng vì thiếu nguyên liệu, tài chính, hiện Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) chiếm thị phần áp đảo ở phân khúc sữa nước. Các sản phẩm  của công ty đã có mặt 43 quốc gia trên thế giới.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Vinamilk bắt đầu từ năm 1998 với hợp đồng xuất khẩu 300 tấn sản phẩm sữa bột và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem sang Iraq, mở đường vào thị trường Trung Đông.

Đến năm 2010, với việc bỏ ra 12,5 triệu NZD, Vinamilk đã sở hữu 19,3% cổ phần của nhà máy sữa bột Miraka. Đây là một trong những thương vụ đưa tên tuổi hãng sữa Việt đi xa.  

Sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 43 quốc gia trên thế giới

Đến 2015, Vinamilk đã tăng vốn góp lên 19,68 triệu NZD (tương đương 22,81% cổ phần). 3 năm sau, nhãn hàng sữa tươi tiệt trùng mới Twin Cows của Vinamilk sản xuất ở New Zealand chính thức ra mắt thị trường Việt Nam - một động thái được cho là khá bất ngờ với các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng trong nước khi đó.

Việc chiếm thị phần áp đảo trong nước ở phân khúc sữa tươi, sữa chua, cộng với mục tiêu chỉ phát triển ngành sữa, nói không với đầu tư ngoài ngành đã giúp Vinamilk có đủ thực lực đẩy nhanh quá trình toàn cầu hoá thương hiệu.

Để thâm nhập vào thị trường Mỹ, Vinamilk tiếp tục bỏ ra 7 triệu USD để mua 70% cổ phần nhà máy Driftwood - nhà cung cấp sữa học đường lớn nhất khu vực Nam California. Tham vọng thâu tóm doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất khi Vinamilk bỏ thêm 3 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 10 triệu USD và đạt tỷ lệ sở hữu 100% Driftwood vào năm 2016. Mỗi năm, Driftwood mang lại cho Vinamilk khoảng 2000 tỉ đồng doanh thu.

Hai siêu nhà máy của Vinamilk tại Bình Dương có vốn đầu tư gần 5000 tỉ đồng

Cuối tháng 5 vừa qua, nhà máy sữa Angkor Milk tại Phnompenh (Campuchia) cũng chính thức khánh thành. Tọa lạc trong đặc khu kinh tế Phnom Penh, với tổng diện tích gần 30.000 m2, đây là nhà máy sản xuất sữa 23 triệu USD đầu tiên và duy nhất tại Campuchia thời điểm này. Sản phẩm chủ lực là sữa đặc có đường nhãn hiệu Best Cow & Captain.

Ngoài New Zealand, Mỹ, Campuchia, hiện Vinamilk đang triển khai một dự án tại Ba Lan với mức đầu tư hơn 3 triệu USD chuyên bán buôn nguyên liệu nông nghiệp cũng như bán buôn, bán lẻ sữa, các chế phẩm từ sữa. Khi đi vào hoạt động ổn định, dự án sẽ là cầu nối để Vinamilk khai phá các thị trường châu Âu.

Nhờ các cuộc viễn chinh ra nước ngoài mà doanh thu xuất khẩu của Vinamilk liên tục tăng. Năm 2005, doanh thu chỉ đạt 88 triệu USD thì năm 2015 đã tăng lên 250 triệu USD.

Ngoài 3 nhà máy tại nước ngoài, hiện Vinamilk có 13 nhà máy trong nước, trong đó đáng kể 2 siêu nhà máy sản xuất trị giá gần 5.000 tỷ đồng bằng vốn tự có tại tỉnh Bình Dương. Năm qua, công ty đã sản xuất và đưa ra thị trường gần 6 tỷ sản phẩm sữa các loại phục vụ cho người tiêu dùng cả nước, tổng doanh thu gần 40.222 tỷ đồng.

Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, trong thời gian tới, chiến lược mua bán và sáp nhập sẽ được Vinamilk đẩy mạnh hơn nữa. Đây cũng là những bước đi cần thiết để tăng doanh thu lên 44.500 tỷ đồng vào 2016.

Vinamilk đang hướng đến mục tiêu doanh số khoảng 3 tỷ USD và đứng vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới trong một vài năm tới. Hiện tại, Vinamilk là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với hơn 9 tỷ USD.


K. Vy
.
.
.