Vì sự phát triển của các doanh nghiệp

Thứ Năm, 19/05/2016, 09:00
Năm 2015, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ đáng kể về cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh đã tăng 3 bậc trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tăng 12 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới.


Tạo đà từ Nghị quyết 19 của năm 2014-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 lần thứ ba vào ngày 28-4-2016, với mục tiêu thứ hạng của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4 vào năm 2017, và ASEAN-3 vào năm 2020. 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) cho rằng, chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, nhận được sự ghi nhận của cộng đồng DN và đó là sự chuyển biến rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập, với yêu cầu ngày càng cao về năng lực cạnh tranh. 

Tuy nhiên, giữa yêu cầu của DN và khả năng đáp ứng của các cơ quan chức năng vẫn luôn tồn tại khoảng cách và thực tế cũng cho thấy, còn nhiều việc phải làm, cần đến sự chuyển biến nhanh, đúng thực chất và liên tục trên tinh thần cầu thị từ các cấp quản lý. 

Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ, hỗ trợ DN một cách hiệu quả hơn đối với một số chỉ tiêu quan trọng nhưng chưa có sự chuyển biến như mong muốn, gồm: cấp phép xây dựng, tiếp cận nguồn tín dụng, đăng ký tài sản của nhà đầu tư, giải quyết tranh chấp theo hợp đồng…

Để Nghị quyết 19/2016 thực hiện hiệu quả, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan quản lý và địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 19/2016 vẫn còn thách thức phía trước để tạo thuận lợi thương mại như là đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất nhập khẩu, đòi hỏi các nỗ lực chung tay của nhiều cơ quan Nhà nước và khu vực tư nhân.

“Nghị quyết 19/2016 vẫn là thách thức mới trong cải cách hành chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hiện nay, có 35% hàng hóa xuất nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra trong quá trình thông quan tại cửa khẩu, nhưng sẽ phải giảm xuống 15% vào cuối năm nay, đây là công việc khổng lồ, không dễ thực hiện, là áp lực rất lớn đối với ngành hải quan”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực hải quan, Thứ trưởng Đỗ Anh Tuấn cho rằng, chúng ta cần thay đổi, cải tiến quy trình thủ tục hải quan; tăng cường số lượng trang thiết bị hiện đại; bổ sung nhân sự tại các cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa qua cửa khẩu nhanh chóng, chính xác.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; các kiến nghị của DN sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Lưu Hiệp
.
.
.