Doanh nghiệp phải làm gì để được chứng nhận sản phẩm thực phẩm an toàn theo chuỗi?

Thứ Sáu, 13/05/2016, 09:59
Sau sự kiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố 69 địa chỉ cung cấp nông sản an toàn theo chuỗi để người tiêu dùng có thể lựa chọn thực phẩm an toàn, dư luận đang quan tâm đến việc, làm thế nào để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể đứng tên trong danh sách này, và tiêu chí cụ thể xét chọn là gì cũng như làm thế nào để việc thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) thật sự có hiệu quả?


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, năm 2016 là năm hành động về an toàn thực phẩm và Bộ NN&PTNT đặt ra 3 trọng tâm chính: tập trung thanh tra xử lý vấn đề chất cấm, vật tư đầu vào trái quy định; tăng cường truyền thông; kết nối sản phẩm an toàn đã được cơ quan chức năng xác nhận với người tiêu dùng. Trong đó, đối với trọng tâm thứ 3, Bộ NN&PTNT đã giới thiệu tới người tiêu dùng 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm an toàn được quản lý theo chuỗi và có thể truy xuất được nguồn gốc. Theo ông Tám, đây mới là những địa chỉ ban đầu, danh sách những địa chỉ loại này sẽ còn được bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới.

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cả nước có 35 tỉnh, thành đã có mô hình chuỗi với tổng số 280 chuỗi. Sản phẩm chính là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản. Hiện nay, đã có 69 cơ sở bán sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận (có nhu cầu và tự nguyện). Ngoài ra, một số địa phương khác có các mô  hình VietGAP… 

Đánh giá ban đầu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi đều hưởng ứng, tích cực và rất có trách nhiệm triển khai. Kết quả giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm của chuỗi phần lớn cho kết quả đều đạt yêu cầu. Sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán có cao hơn so với sản phẩm khác. 

Thực phẩm sạch giá cao hơn nhưng vẫn được chấp nhận.

Mặc dù vậy, một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định, mất liên lạc trong chuỗi. Khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình chưa đủ không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ là một khó khăn cho việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Ngoài ra, giá bán sản phẩm của mô hình chưa đạt như mong muốn của người sản xuất. Chi phí cho việc bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, người tiêu dùng khó phân biệt, chưa tin. Việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có văn bản quy định nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai. 

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, để một sản phẩm được xác nhận là sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bán tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm (cửa hàng, quầy hàng tại chợ, siêu thị...), chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm trước tiên phải có nhu cầu và tự nguyện đăng ký để được xác nhận.

Tiếp đó, các cơ quan quản lý sẽ xác định chất lượng của chuỗi cung cấp đó. Có hai hình thức liên kết là giữa các cơ sở với nhau và doanh nghiệp làm độc lập từ khâu nuôi trồng tới phân phối ra thị trường. Đối với chuỗi cung cấp thực phẩm liên kết, các cơ sở sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác/nuôi trồng thủy sản phải được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, hoặc chứng nhận GAP hoặc tương đương. 

Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thì phải ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến các cơ sở kinh doanh phải được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Doanh nghiệp là chủ sở hữu và quản lý toàn bộ chuỗi cung cấp từ sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng phải được cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ở tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm. 

Sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các qui chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.

Đồng thời,  Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh, TP hoặc cơ quan được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ sẽ là cơ quan xác nhận. Kinh phí thực hiện gồm kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Kinh phí lấy mẫu, kiểm nghiệm giám sát do chủ cơ sở kinh doanh chi trả.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, theo Luật An toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm 19 nhóm sản phẩm. Do đó, để tạo điều kiện nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy trình về kiểm tra, chứng nhận, xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi. 

Ông Tám khẳng định: “Bộ chỉ đạo các địa phương và triển khai xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công bố xây dựng ban hành quy trình kiểm tra giám sát và công nhận dán nhãn sản phẩm an toàn, từ đó các địa phương triển khai và kiểm soát”.

Ngọc Yến
.
.
.