Kiểm tra chuyên ngành hành doanh nghiệp?

Thứ Tư, 11/05/2016, 08:58
Trong muôn vàn khó khăn khiến cho doanh nghiệp (DN) khó lớn nổi, kiểm tra chuyên ngành là một trong những nỗi “khiếp đảm” vì khiến cho DN tốn nhiều thời gian và chi phí...

Ngán ngẩm kiểm tra chuyên ngành

Đại diện Công ty TNHH An Đô – một DN hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật bức xúc cho biết: Chỉ trong 9 tháng DN đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm 1 nhân viên chuyên cho việc này. Các thủ tục trong việc kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, 1 tấn vải chỉ mất một vài triệu tiền thuế nhưng mất 8 triệu kiểm tra chuyên ngành.

Còn theo phản ánh từ Hiệp hội Dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội cho biết tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng với DN: “Một miếng vải mẫu chuyển từ nước ngoài về, chỉ 5m thôi cũng phải kiểm tra. Trong quý I-2016, một DN có 5m vải thôi cần 138 lần đi kiểm tra theo Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương. Trước đây Thông tư 32 còn dễ dàng, chứ đến Thông tư 37 (sửa đổi Thông tư 32) của Bộ Công thương ra đời thắt chặt DN, khiến họ không chịu nổi vì tốn chi phí, thời gian. Bộ Công Thương nên xem lại”, ông Giang đưa kiến nghị.

Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may bị DN dệt may phàn nàn rất nhiều. 

Nhiều DN mệt mỏi với các đoàn kiểm tra. Ảnh minh họa

Chẳng hạn, với quy định về lấy mẫu, từng có ý kiến kiến nghị Bộ Công Thương quy định cụ thể trường hợp DN mua hàng của nhà xuất khẩu, nhưng không xuất trình được mẫu vật liệu dệt thì có phải lấy mẫu sản phẩm nguyên chiếc để kiểm tra hay không? Nếu phải lấy mẫu sản phẩm nguyên chiếc để kiểm tra sẽ ảnh hưởng đến DN do giá trị sản phẩm mẫu thường rất lớn. 

Quy định này khiến cho DN kinh doanh hàng dệt may cao cấp tốn kém. Lô hàng nào cũng phải lấy mẫu kiểm tra, mà các loại hàng này được sản xuất ở các nước phát triển, có giá trị lớn. Kiểm tra nhiều vừa tốn thời gian, vừa tăng chi phí cho DN.

Trong văn bản Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội gửi lên cơ quan quản lý cho rằng, thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có quá nhiều văn bản, quy định về quản lý chuyên ngành, chưa kể sự chồng chéo trong thực hiện kiểm tra.

Thui chột ý tưởng sáng tạo

Điều kiện kinh doanh quá nhiều quy định ràng buộc đang gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, đặc biệt đối với DN quy mô cực nhỏ và quy mô nhỏ và vừa cũng như bộ phận DN tư nhân. 

Không ít ý tưởng sáng tạo sớm bị thui chột, bị coi là không phù hợp với pháp luật; quan hệ cung cầu thị trường méo mó; phân bổ nguồn lực hiệu quả thấp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không cao.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, “ma trận” điều kiện kinh doanh mà DN đang phải đối mặt giống như người thợ điện đứng giữa mớ dây điện chằng chịt, không biết tháo ở điểm nào. 

“Cách nhanh nhất là cắt đứt. Đáng chú ý, có những quy định về điều kiện kinh doanh rất vô lý. Ví dụ, DN muốn được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa 450 tấn thóc trở lên, phải có cơ sở xay xát, có thành tích xuất khẩu 3-4 năm… Không có kho thóc này thì cũng không ảnh hưởng tới cộng đồng, nên đó là điều kiện không phù hợp”, ông Cung nói.

Giới chuyên gia nhìn nhận: ở nước ta còn rất nhiều thông tư, văn bản chỉ đạo… thể hiện sự can thiệp hành chính của các cấp vào hoạt động kinh doanh. Thực tế, trong hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì có tới cả hàng ngàn điều kiện ban hành trái quy định của pháp luật. Chẳng hạn, ban hành bởi các thông tư thuộc cấp bộ, thậm chí có cả điều kiện do cấp huyện ban hành, trong khi theo luật, Chính phủ mới được quyền ban hành điều kiện kinh doanh. 

Ngay cả việc kiểm tra chuyên ngành, nhiều chuyên gia cũng cho rằng DN Việt Nam còn nhiều vướng mắc trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan… dẫn đến vừa tốn kém, vừa phiền hà. Chưa kể, có những văn bản hướng dẫn DN dài đến vài trăm trang, khó lĩnh hội và triển khai thực hiện…

“Một DN nhỏ mà mỗi quý đón 3-4 đoàn kiểm tra của thuế, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… Ba, bốn đoàn kiểm tra, cứ liên tục như vậy thì rất ức chế, đề nghị gom tất cả các cơ quan cùng đến một lần”- đại diện một DN đề xuất.

Nhóm PV
.
.
.