Mua trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao, rủi ro cao

Chủ Nhật, 20/09/2020, 09:08

Lãi suất ngân hàng giảm sâu, vàng, chứng khoán và bất động sản (BĐS) lâm vào cảnh khó khăn, nhiều rủi ro, khiến cho nhiều người tìm đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như là phương tiện cứu cánh cho dòng tiền nhàn rỗi nhưng thiếu đầu ra của mình. Nắm bắt cơ hội, hàng loạt DN tung trái phiếu lãi suất cao để hút khách. Cá biệt, có DN rao bán trái phiếu với lãi suất cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 8, đã có tổng cộng 38.399 tỷ đồng được DN Việt huy động qua kênh trái phiếu, trong đó các DN BĐS trở thành "quán quân" với giá trị phát hành 11.670 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 30% trong tổng giá trị phát hành. Các tổ chức tín dụng đứng thứ hai với 10.038 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 26%.

Lũy kế 8 tháng năm 2020, đã có tới 237.729 tỷ đồng được DN Việt Nam huy động qua kênh trái phiếu, tương đương hơn 10 tỷ USD. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc khối lượng TPDN phát hành tăng mạnh trong tháng vừa qua cũng có thể là do các DN đang tận dụng nốt khoảng thời gian trước 1-9-2020 khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực.

Nghị định số 81/2020/NĐ-CP mới được ban hàng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân; đồng thời yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu. Do vậy, sau ngày 1-9-2020, giá trị phát hành TPDN có thể sẽ có xu hướng giảm so với 8 tháng đầu năm.

Thị trường TPDN phát triển nóng là vấn đề đang gây lo ngại khi lãi sất càng cao thì rủi ro càng lớn. Mới đây, thị trường ghi nhận Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group phát hành trái phiếu Happy18 Bond lãi suất 18%, tức gấp 3 lần lãi suất ngân hàng. Hiện lãi suất bình quân của TPDN đang ở mức 9,3%/năm, riêng lãi suất bình quân của trái phiếu BĐS quý II-2020 là 10,42%.

Ngoài ra, lãi suất phát hành cao nhất thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm là 13,3%/năm của Công ty cổ phần City Garden, tiếp theo là các lô phát hành với lãi suất 13%/năm của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La…

Trước hiện tượng “chạy đua” lãi suất của các DN, gây nhiều nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo. Ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Khối Thị trường vốn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, với nhà đầu tư, thông thường có 2 rủi ro chính khi đầu tư vào TPDN là rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản.

Rủi ro tín dụng là rủi ro khi công ty phát hành trái phiếu không trả được các khoản lãi hoặc gốc trái phiếu khi đến hạn, dẫn đến việc nhà đầu tư bị mất vốn. Rủi ro thanh khoản là rủi ro khi nhà đầu tư muốn bán lại trái phiếu trước hạn nhưng không thể tìm được người mua lại.

“Trước hết, nhà đầu tư cá nhân nên xác định rõ lãi suất không phải là yếu tố duy nhất, cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất để quyết định mua hay không mua trái phiếu của một DN. Lãi suất cao thường sẽ đi kèm với rủi ro cao. Thay vào đó, đối với nhà đầu tư cá nhân, yếu tố hàng đầu khi lựa chọn trái phiếu là độ an toàn của trái phiếu đó”, ông Long nói và cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn trái phiếu của các DN uy tín, phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư chứ không chỉ tập trung vào lãi suất. Thứ hai, nhà đầu tư nên mua trái phiếu DN được tư vấn phát hành bởi các công ty chứng khoán lớn, có uy tín trên thị trường. Cuối cùng, nhà đầu tư nên ưu tiên mua và giao dịch trái phiếu từ công ty chứng khoán hoặc ngân hàng có hỗ trợ thanh khoản, tìm đối tác mua bán lại khi khách hàng có nhu cầu rút vốn.

Cùng chung nhận định, ông Trương Thái Đạt đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh –HSC cho rằng, đầu tư trái phiếu ở Việt Nam, rủi ro duy nhất là khi DN phát hành trái phiếu phá sản và không có khả năng chi trả. Vị chuyên gia này khuyên để đầu tư TPDN, có 4 yếu tố để xem xét mức độ an toàn của TPDN. Thứ nhất là phải lựa chọn những DN đã niêm yết, có lịch sử kinh doanh có lãi, lịch sử trả cổ tức đều đặn ngay cả khi kinh tế suy thoái.

Thứ 2 là lựa chọn các DN đầu ngành với thị phần lớn sẽ giúp hạn chế trong cạnh tranh thường tạo dòng tiền ổn định để chi trả. Thứ 3, một ban lãnh đạo có kinh nghiệm và uy tín tốt là yếu tốt tiên quyết trong việc đánh giá mức độ tin cậy của DN. Và thứ 4, DN phải có tài chính vững chắc; tỷ lệ nợ an toàn, tăng trưởng tốt, dòng tiền ổn định. Bên cạnh 4 yếu tố về DN nói trên, cần cân đối giữa lãi suất và rủi ro, cũng như lựa chọn mức thời hạn đầu tư trái phiếu phù hợp với nhu cầu cá nhân.

Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng đã 3 lần phát đi khuyến nghị xung quanh việc đầu tư TPDN của cá nhân. Và mới đây, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP  có hiệu lực cũng đang siết lại những quy định về phát hành TPDN. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá, việc sửa đổi này sẽ có tác động tích cực đến việc công bố thông tin, tổng hợp được tình hình phát triển của thị trường, giúp cho cơ quan chức năng có thể kịp thời điều tiết sự phát triển của thị trường.

Hà An
.
.
.