Thương mại điện tử Việt trước áp lực của nhà đầu tư ngoại

Thứ Hai, 16/05/2016, 09:09
Theo báo cáo Thương mại điện tử 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát thì chỉ có 46% doanh nghiệp có website, nhưng phần lớn website của các doanh nghiệp này chỉ có tính năng giới thiệu hàng hóa.


Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp có nhân viên phụ trách quản trị website của mình, khoảng 1/2 số website doanh nghiệp có tính năng đặt hàng trực tuyến và 17% website có tính năng thanh toán trực tuyến. 

Về chi phí bỏ ra để tiếp thị trực tuyến, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp chi hơn 50 triệu đồng/năm và hơn 50% doanh nghiệp chi dưới 10 triệu đồng/năm. Về doanh thu bán hàng qua thương mại điện tử tại Việt Nam, trong 2015 đạt 4,1 tỉ USD (tăng 37% so với năm 2014), chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng khảo sát về tình hình sử dụng các thiết bị di động để mua sắm qua mạng gần 500 người tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy có 88% số người khảo sát có nhu cầu cần tìm kiếm thông tin về hàng hóa, dịch vụ trước khi ra quyết định mua hàng qua các thiết bị di động. 

Xu hướng mua hàng qua mạng của người tiêu dùng ngày càng tăng.

Những con số trên cho thấy, nhu cầu mua sắm qua mạng của người tiêu dùng rất lớn, doanh thu bán hàng thương mại điện tử qua từng năm tăng đáng kể, và dự báo trong thời gian tới hình thức bán hàng qua thương mại điện tử sẽ bùng phát mạnh mẽ do sự nở rộ của Internet và điện thoại di động. Tuy nhiên, điều nghịch lý là nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa hào hứng đầu tư mạnh vào kênh bán hàng này.

Đại diện nhãn hiệu Noladi với lối đi riêng là thương mại điện tử trên di động cho biết những lý do khiến doanh nghiệp e dè khi đầu tư vào thương mại điện tử. Đó là do trước đây, có rất nhiều người tiêu dùng bị lừa khi mua hàng trên mạng như bị chiếm đoạt tiền đặt cọc chuyển khoản, hàng giao kém chất lượng, giao không đúng sản phẩm đặt mua... 

Chính vì điều này đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin khi mua hàng online và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì vậy, để tránh bị lừa, hiện nay người tiêu dùng khi mua hàng online, đa phần không chấp nhận chuyển khoản trước tiền mua sản phẩm hoặc tiền đặt cọc vào tài khoản của đơn vị bán hàng mà phải “tiền trao cháo múc”, tức là nhận hàng mới giao tiền. Tuy nhiên, với hình thức này thì người tiêu dùng không lo bị lừa, nhưng doanh nghiệp lại gặp nhiều rủi ro do “thượng đế” gây ra. 

Cụ thể, kinh doanh online chủ yếu liên lạc qua facebook, điện thoại, tin nhắn, nên khách hàng có thể hủy giao dịch mua bán bất cứ lúc nào. Nhiều trường hợp đến ngày nhận hàng, khách hàng đưa ra vô số lý do để không nhận như: bận công tác đột xuất; đã mua được sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn, hoặc... không thích mua nữa. 

Ngoài ra, nhiều khách hàng cho địa chỉ, số điện thoại “ma” hoặc tắt điện thoại, điện thoại mở nhưng không nghe máy... khiến việc giao hàng không thực hiện được. Gặp những trường hợp này doanh nghiệp chỉ có “kêu trời”, đành ấm ức “ôm” hàng trong khi tốn mất bao nhiêu chi phí cho quảng cáo, vận chuyển...

Khi hoạt động kinh doanh qua mạng của nhiều doanh nghiệp Việt với người tiêu dùng chưa có tiếng nói chung, cộng với sức ép cạnh tranh ngày càng nặng nề của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hàng loạt website thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa hoặc bị “thâu tóm”. 

Điển hình, đầu tháng 4-2016, Alibaba của Trung Quốc đã chính thức làm chủ sàn thương mại điện tử Lazada tại Đông Nam Á sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỉ USD. Như vậy, Alibaba đã đặt chân vào lĩnh vực thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á - nơi Lazada đang hoạt động tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Cuối tháng 4-2016, Rocket Internet, chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán lại sàn thương mại điện tử này cho Central Group của Thái Lan. Central Group là một trong những hãng bán lẻ lớn nhất khu vực và đang bành trướng tại Việt Nam, Malaysia, Indonesia… 

Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng cho biết đang có kế hoạch mở rộng hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, đồng thời sẽ mở trang thương mại điện tử vào cuối năm nay. Trước đó, trong năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam như beyeu.vn, deca.vn, fab.vn... đã phải đóng cửa vì không chịu nổi sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. 

Với số liệu từ báo cáo Thương mại điện tử 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho thấy, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam rất khả quan, nhưng cũng sẽ cạnh tranh rất gay gắt vì khi hội nhập, doanh nghiệp ngoại sẽ ồ ạt vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp ngoại với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ cùng cách làm chuyên nghiệp nên sẽ là áp lực lớn với doanh nghiệp Việt. Để có thể cạnh tranh trên thị trường, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp thương mại điện tử  Việt cần khai thác đúng hướng tiềm năng thị trường, xác định đầu tư lâu dài, bài bản, tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống quản lý và đào tạo nhân lực. 

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 đã chỉ ra rằng, quyền lợi của người tiêu dùng trực tuyến chưa được bảo vệ thỏa đáng. Đây là trở ngại cho thương mại điện tử tại Việt Nam nên doanh nghiệp cũng cần ưu tiên giải quyết vấn đề này.

Thúy Hà
.
.
.