Thương mại điện tử ở Việt Nam thiếu chế tài bảo vệ người mua

Chủ Nhật, 05/08/2012, 11:01
Theo Luật sư Quản Văn Minh, việc trao đổi mua bán trên các website thương mại trực tuyến tại Việt Nam chủ yếu diễn ra giữa các cá nhân với nhau, các website chỉ có tính chất làm cầu nối, là nơi để đăng tin. Những kiểu giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý và tạo nhiều kẽ hở cho nạn gian lận. Những chế tài cần thiết bảo vệ người mua hiện lại rất thiếu.
>> Lời khai của lãnh đạo Chi nhánh MB 24 về những "chiêu trò" kiếm tiền

Trong khi cơ quan Công an tại các địa phương đang đồng loạt xử lý hành vi vi phạm liên quan đến Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) thì vẫn có nhiều người mê muội lao vào các trang web trá hình thương mại điện tử (TMĐT) để kiếm tiền. Vậy, khi lỡ nộp tiền để tham gia vào các trang web này thì nạn nhân có thể lấy lại tiền hay không? Hành lang pháp lý trong lĩnh vực này đã có gì để bảo vệ người bị hại?

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Thạc sỹ, Luật sư Quản Văn Minh, Công ty Luật số 5 - quốc gia xung quanh lĩnh vực trên:

Phóng viên (PV): Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, theo luật sư, Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) đã mắc những vi phạm gì?

Luật sư (LS) Quản Văn Minh: MB24 tự xưng là "sàn thương mại điện tử" nhưng chưa hề được cấp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này. Điều đó đã vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký ngành nghề kinh doanh. Hơn nữa, trong hoạt động mua bán gian hàng điện tử trên trang web, các nhân viên tiếp thị của công ty thường đưa ra những lợi ích hấp dẫn (mà thực tế không bao giờ có) để lôi kéo những người có hiểu biết hạn chế tin và mua gian hàng điện tử. Người mua phải bỏ ra một số tiền mặt tương đối cao để mua gian hàng ảo nhưng lại không có hóa đơn chứng từ… là có dấu hiệu trốn thuế. Tất cả những hành vi nêu trên của MB24 có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

MB24 lôi kéo hội viên bằng mức thưởng hoa hồng hấp dẫn chứ không phải là kinh doanh mua bán đúng nghĩa thương mại điện tử. Ảnh: Việt Hà.

Theo Thông tư số 46/2010/TT-BCT thì các doanh nghiệp có thể lập website để cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT. Những thành viên đã đăng ký có quyền mở gian hàng để giới thiệu hàng hóa và bán sản phẩm, dịch vụ. Thông tư này không quy định việc các thành viên trên website tham gia môi giới, kiếm tiền lời từ hoa hồng trả cho việc giới thiệu người tham gia. MB24 tổ chức bán các gian hàng trên website ở địa chỉ http://www.muaban24.vn cùng với việc cho phép thành viên lôi kéo người khác tham gia lấy tiền hoa hồng là trái với quy định.

PV: Trường hợp người dân đã nộp tiền mua gian hàng ảo có đòi lại được tiền không? Nếu có thì cơ quan nào giải quyết?

LS Quản Văn Minh: Để quyền lợi của mình được pháp luật bảo vệ, người dân gửi đơn tố giác hoặc đến trực tiếp Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an các địa phương nơi công dân cư ngụ hay nơi MB24 mở chi nhánh. Tuy nhiên, khó khăn là, mặc dù công ty này có các chức danh lãnh đạo cụ thể, nhưng khi hội viên muốn khiếu kiện hay đòi lại tiền do trong quá trình hoạt động phát hiện ra dịch vụ kinh doanh này không như lời hứa thì đều bất lực. Nguyên nhân vì không có một giấy tờ, chứng từ hóa đơn nào xác nhận là họ đã đóng tiền vào đây.

PV: Hành lang pháp lý trong TMĐT hiện nay có kẽ hở nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động vi phạm?

LS Quản Văn Minh: Việc trao đổi mua bán trên đa số các website thương mại trực tuyến tại Việt Nam chủ yếu diễn ra giữa các cá nhân với nhau, các website chỉ có tính chất làm cầu nối, là nơi để đăng tin và một số website chỉ là địa chỉ để rao vặt. Những kiểu giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý và tạo nhiều kẽ hở cho nạn gian lận tung hoành. Những chế tài cần thiết bảo vệ người mua hiện lại rất thiếu.

Năm 2005, nước ta đã có Luật Giao dịch điện tử. Tiếp đó, các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành như Nghị định, Thông tư hướng dẫn TMĐT về giao kết hợp đồng trên website TMĐT, Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thông tư số 09/2008/TT-BCT quy định về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website TMĐT. Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư về thông tin cá nhân trên môi trường điện tử vẫn còn là một vấn đề mới mẻ tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật hiện nay ở nước ta còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể để bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Điều này tạo nên kẽ hở cho những kẻ gian lận.

PV: Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về TMĐT. Nhưng trước khi chờ các cơ quan chức năng xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ về vấn đề này, chúng ta cần phải làm gì trước hiện tượng gian lận trong TMĐT hiện nay?

LS Quản Văn Minh: Có thể nhận thấy, đối tượng nhắm tới của các nhân viên tiếp thị mua bán gian hàng điện tử trên website http://www.muaban24.vn phần lớn là nông dân, công nhân, người thất nghiệp. Những đối tượng này có hiểu biết và phân tích sự việc hạn chế. Do vậy họ rất nhẹ dạ cả tin, bị ảnh hưởng tâm lý đám đông nên dễ bị lôi kéo dụ dỗ tham gia vào mạng lưới của công ty trên. Để không có thêm nhiều người dân rơi vào cảnh "vỡ nợ" thì phía cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc điều tra, chính quyền địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò tuyên truyền phổ biến, làm rõ cho bà con về bản chất của loại hình kinh doanh không lành mạnh trên để tránh bị lôi kéo. Cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý thật nặng đối với các doanh nghiệp vi phạm.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Khởi tố vụ án tại MB24 Bắc Kạn

Ngày 4/8, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết CQĐT đã khởi tố vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điều 226b Bộ luật Hình sự tại chi nhánh MB24 Bắc Kạn.

Chi nhánh Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (MB24) Bắc Kạn có địa chỉ tại tổ 5 đường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn do Phạm Bá Quyết, 55 tuổi, trú tại tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thị xã Bắc Kạn làm Giám đốc chi nhánh và Dương Thị Điệp, 25 tuổi, trú ở tổ 16, phường Nguyễn Thị Minh Khai, làm kế toán kiêm hành chính.

Công an tỉnh Bắc Kạn tạm giữ các tài liệu, tang vật để điều tra.

Ngày 3/8, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (PC46) Công an tỉnh Bắc Kạn đã triệu tập 2 đối tượng trên để điều tra, làm rõ, đồng thời thi hành lệnh khám xét khẩn cấp Văn phòng đại diện MB 24 tại địa phương. Qua đó, cơ quan chức năng đã thu giữ một số máy tính, máy in, hệ thống dây cáp mạng và một số thẻ, giấy tờ liên quan của các đối tượng hoạt động tại chi nhánh này. Cùng với việc khám xét trụ sở chi nhánh, Công an Bắc Kạn đã khám xét khẩn cấp nơi ở của Giám đốc Chi nhánh Phạm Bá Quyết, thu giữ được một số tài liệu có liên quan. Được biết, rất nhiều dữ liệu trong máy tính đã bị xóa sạch trước đó.

Hiện CQĐT đang khôi phục dữ liệu trong máy. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định chi nhánh tại Bắc Kạn có hàng trăm gian hàng. Theo quy định chung, giá của mỗi gian hàng là 5,2 triệu đồng, mỗi người giới thiệu được người mua gian hàng sẽ được hưởng 1,5 triệu, tất cả đều được quy đổi từ VND thành USD. Hằng tháng, chi nhánh này sẽ trích phần trăm về trụ sở chính ở Hà Nội.

Quyết khai nhận tính từ thời gian hoạt động chính thức từ ngày 11/4 đến nay, chi nhánh này đã 4 lần được trích tiền hoa hồng từ MB24 Hà Nội.

P. Thủy

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.