Thế “chân vạc” của Tập đoàn Sao Mai

Thứ Hai, 11/04/2016, 10:25
Gần 20 năm trước, ASM được khai sinh từ ngành kinh doanh bất động sản. Suốt 10 năm bền bỉ với ngành này, Tập đoàn đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm cùng những ý tưởng sáng tạo.


Tận dụng lợi thế và lợi nhuận từ bất động sản, ASM tiếp tục đầu tư vào một số ngành nghề khác.

Giai đoạn 2003 - 2007 đánh dấu bước ngoặt lớn trong hành trình hoạt động kinh doanh của Tập đoàn: Nhà máy Chế biến thủy sản (thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI - thành viên của ASM) công suất 300 tấn/ngày được đưa vào vận hành tại cụm công nghiệp Vàm Cống (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), Resort Sao Mai - Vũng Tàu được đưa vào khai thác…

Tập đoàn Sao Mai (ASM) chọn thế “chân vạc” để phát triển bền vững.

Theo thời gian, thương hiệu ASM dần được khẳng định trên nhiều lĩnh vực. Từ bất động sản, thủy sản, du lịch, nhà hàng - khách sạn cho đến chế biến bột cá, mỡ cá, dầu ăn cao cấp (Ranee), thức ăn thủy sản và sản xuất năng lượng sạch.

Nguyên tắc kiềng 3 chân được ASM vận dụng trong quá trình hoạt động để ăn chắc, mặc bền, hơn hết là để thỏa mãn niềm đam mê kinh doanh. ASM hiện có tổng giá trị tài sản khoảng 15.000 tỉ đồng, vốn điều lệ 4.400 tỉ đồng và gần 7.000 lao động (dự kiến 2 năm tới sẽ là 10.000 lao động).

Từ một công ty ban đầu chuyên kinh doanh bất động sản, đến nay ASM đã là một Tập đoàn đa ngành, sở hữu 12 công ty thành viên. Đây là kết quả của cả hành trình bền bỉ theo đuổi chiến lược kinh doanh theo thế chân vạc.

Kỹ sư Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai chia sẻ: “Để có được thế chân vạc thì cốt lõi vẫn là con người. Ngoài nguồn nhân lực kế thừa, Sao Mai luôn chú trọng đào tạo nhân lực trong và ngoài nước để phục vụ cho mục tiêu phát triển Tập đoàn”.

Chọn thế chân vạc trong chiến lược kinh doanh, song ASM xác định bất động sản vẫn luôn giữ vai trò trụ cột. Năm 2015 vừa qua, Tập đoàn đã khởi công xây dựng hàng loạt dự án bất động sản, xây dựng Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản trị giá trên 500 tỉ đồng, khởi công dự án Khu đô thị - du lịch 1.200 tỉ đồng tại Phú Quốc (Kiên Giang), đầu tư khu đô thị mới hơn 500 tỉ đồng tại Triệu Sơn (Thanh Hóa), xúc tiến đầu tư dự án mới tại TP Long Xuyên (An Giang) và hàng loạt dự án“tầm cỡ” tại TP Cần Thơ.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng giám đốc ASM cho biết, theo kế hoạch kinh doanh bất động sản năm 2016, Sao Mai sẽ tăng tốc đầu tư, nhanh chóng hoàn thành các dự án thi công dở dang và động thổ 8 dự án mới trên cả nước với tổng kinh phí hơn 2.500 tỉ đồng. Rõ ràng, về lĩnh vực trụ cột bất động sản thì ASM đã có kế hoạch cụ thể, kể cả kịch bản ứng phó trước những điều kiện khó khăn của nền kinh tế có thể xảy ra.

Riêng về lĩnh vực thủy sản, công ty thành viên (IDI) của Tập đoàn hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất nước. Sản phẩm cá tra IDI đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bức tranh chung cho thấy năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam. Riêng đối với cá tra, đây là cơ hội tái cấu trúc lại chuỗi nuôi trồng chế biến xuất khẩu để lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh. ASM sẽ đẩy mạnh xuất khẩu dầu ăn cao cấp Ranee sang thị trường châu Á, đưa vào thị trường tiêu thụ thức ăn thủy sản, mở rộng thị trường xuất khẩu bột cá và dầu cá thô…

Với nền tảng đã được tích lũy, đồng thời tiếp tục củng cố nội lực doanh nghiệp, quản lý tốt sản xuất, giữ vững chất lượng hàng hóa, uy tín với khách hàng và không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất sản phẩm, giảm giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh, sản phẩm thủy sản của IDI và các công ty thành viên khác trong Sao Mai Group sẽ có thêm khách hàng mới, thị trường xuất khẩu sẽ được rộng mở.

Bởi mới đây, IDI tiếp tục được FSIS (Cơ quan Thanh tra An toàn Thực phẩm – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ và đây sẽ là một cơ hội tốt để IDI tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng thứ hạng của mình vào TOP đầu của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam.

Quốc Hưng
.
.
.