Sao Mai Group luôn quan tâm, giúp đỡ cộng đồng

Thứ Hai, 21/09/2015, 08:12
Ngoài việc tập trung phát triển doanh số, thu hút lao động có chuyên môn cao, tạo dựng hình ảnh tốt với khách hàng, nâng cao giá trị thương hiệu thì trách nhiệm xã hội đang là yếu tố tối quan trọng được đề cập đến trong nhiều diễn đàn doanh nghiệp (DN) diễn ra gần đây, nhằm xây dựng một DN có hướng phát triển bền vững.

Theo nhóm Phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp (DN) đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ cũng như cộng đồng và toàn xã hội, theo cách cả DN cũng như phát triển chung của xã hội đều có lợi. DN không đơn thuần là một tổ chức chỉ tập trung vào việc gia tăng lợi nhuận, mà cần phải trở thành một phần của cộng đồng, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng liên quan như người lao động, khách hàng, thậm chí cả những khu vực mà họ phục vụ.

63% DN Việt Nam chưa hiểu tầm quan trọng của CSR.

Cùng với những yếu tố truyền thống khác như chi phí, chất lượng thì CSR là yếu tố vô cùng quan trọng trong kinh doanh của DN. Các tiêu chuẩn cụ thể về CSR gồm: môi trường và điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ mội trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động… CSR được lồng ghép vào chiến lược của DN và trở thành điều kiện bắt buộc để DN tồn tại và phát triển bền vững.

Việt Nam đã bắt đầu hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, sự cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt hơn. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, mà còn quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, do ai sản xuất, việc sản xuất liệu có ảnh hưởng môi trường xung quanh. Từ đó, các DN nhận thấy được vấn đề thể hiện trách nhiệm xã hội là thật sự cần thiết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ vẫn chưa có cách nhìn đúng mức về tầm quan trọng của CSR đối với cộng đồng. Theo khảo sát mới đây của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), thì có đến 63% các DN Việt Nam vẫn chưa hiểu thấu đáo về quy trình phát triển bền vững, chưa có tầm nhìn, chiến lược nhất quán về phát triển bền vững và CSR.

Tạo thêm việc làm, thực hiện nhiều chương trình xã hội từ thiện

Việc biết đến và thực hiện CSR tại Việt Nam đang chủ yếu tập trung ở các DN lớn, trong đó có thể kể đến Tập đoàn Sao Mai (ASM). Thành công của Sao Mai được thể hiện qua hiệu quả kinh doanh. Năm 2014, doanh thu của Tập đoàn đạt 4.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 223 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần so với năm 2013).

Tập đoàn Sao Mai tặng quà giúp người nghèo dịp tết 2015.

Để ứng phó với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều DN đã chọn cách thu hẹp sản xuất, thậm chí sa thải bớt lao động thì tập đoàn đa ngành (bất động sản, thủy sản, đầu tư tài chính, tư vấn thiết kế xây dựng, kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, sản xuất bột cá, mỡ cá thô, tinh luyện dầu cá cao cấp Ranee)… tại An Giang này lại chọn điều ngược lại. Chỉ riêng trong năm 2014, tập đoàn này đã tuyển thêm hơn 2.300 lao động, đưa số lao động hiện tại lên đến 6.000 người, trong đó hơn 500 lao động bậc cao có trình độ thạc sĩ được đào tạo tại nước ngoài và đại học

Sao Mai còn là thương hiệu rất gần gũi với cộng đồng khi tích cực thực hiện nhiều hoạt động từ thiện xã hội ý nghĩa. Đầu năm đến nay, tập đoàn này đã dành kinh phí hơn 2 tỷ đồng để tặng hơn 5.600 hộ nghèo tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ủng hộ ngành giáo dục An Giang xây dựng hệ thống môi sinh học đường. Trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, Sao Mai đã chi 2,9 tỷ đồng để trang trí đường hoa xuân Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh), xây dựng 10 căn nhà tình thương cho người nghèo và trao tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Cũng theo kế hoạch phối hợp với UBND TP Long Xuyên, Tết Nhâm Thân năm nay, Sao Mai vẫn tiếp tục đồng hành với thành phố làm đẹp phố phường

Ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT Sao Mai Group (ASM) cho rằng, việc thực hiện CSR của DN không nên chỉ là bề nổi, là công cụ để đánh bóng và quảng bá thương hiệu, mà phải là định hướng phát triển của một DN bền vững. Ngoài ra, đối với Sao Mai, CSR còn tạo nên chuỗi giá trị tốt cho doanh nghiệp, hiểu được giá trị thương hiệu của Sao Mai đang được định vị như thế nào trong xã hội thông qua việc tiếp cận các vấn đề và thách thức mang tính chiến lược. Đồng thời tạo nên những lợi ích mang tầm ảnh hưởng tốt hơn cho cộng đồng.

Theo Giáo sư Thomas Malnight, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Harvard, nếu làm tốt CSR, chắc chắn DN sẽ là người chiến thắng trên thương trường, bởi đầu tư vào CSR đồng nghĩa với việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sự tồn tại của DN. Thực hiện CSR về trung và dài hạn sẽ đạt được nhiều lợi ích: giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới.

Tập đoàn Sao Mai hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực: Xây dựng, BĐS, thủy sản, thực phẩm và du lịch. Sao Mai Group còn được biết đến là DN lớn nhất của tỉnh An Giang, nhà đầu tư kinh doanh BĐS hàng đầu Đồng bằng sông Cửu Long và 1 trong 5 doanh nghiệp nuôi trồng chế biến xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.
Sơn Mạch
.
.
.