Nhức nhối nhà máy xăng sinh học ngàn tỷ “trùm mền”

Thứ Bảy, 09/04/2016, 08:31
Có mặt tại Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (thôn 8, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, đơn vị đầu tư Nhà máy sản xuất cồn Ethanol Bình Phước) một ngày đầu tháng 4-2016, chúng tôi ghi nhận nhà máy rộng tới 44ha đang đóng cửa im lìm.

Hai người bảo vệ gác cổng cho biết, nhà máy đã ngừng hoạt động từ lâu, hiện chỉ giữ lại hơn 10 nhân viên bảo vệ để trông coi nhà máy và một số lao động làm công tác bảo trì máy móc. “Lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã thay đổi, hiện không có ai ở nhà máy” – một bảo vệ nói.    

Ông Nguyễn Văn Ân, một cán bộ hưu trí có quán giải khát gần nhà máy cho biết: “Lúc nhà máy còn hoạt động suốt ngày xe tải chạy ầm ầm chở nguyên liệu ra vào nhưng chỉ được vài tháng nhà máy ngưng hoạt động. Hàng trăm người dân trong xã được nhà máy nhận vào làm nay đã nghỉ hết”.

Nhà máy Ethanol Bình Phước cửa đóng then cài suốt nhiều năm qua.

Nhà máy là kết quả hợp tác giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PV OIL) và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), theo thỏa thuận ban đầu, PV OIL chiếm 51% vốn, Itochu chiếm 49%. Đầu năm 2010, PV OIL chuyển giao 22% cho Công ty Licogi 16. Tổng mức đầu tư hơn 84 triệu USD (khoảng hơn 1.600 tỷ đồng). Theo thiết kế, Nhà máy Ethanol Bình Phước sẽ sản xuất hơn 100 triệu lít cồn sinh học/năm, tiêu thụ khoảng 240 ngàn tấn củ mì khô/năm.

“Nhà máy đóng cửa đã lâu và từ khi nào nhưng không có báo cáo, mãi đến tháng 5-2015 mới biết chính xác nhà máy ngừng hoạt động. Nguyên nhân được cho là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi nhiều, hiện ai làm giám đốc Sở cũng không nắm”, bà Lý Thị Mỹ Loan, Phó phòng phụ trách Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương tỉnh Bình Phước nói.

Cũng theo bà Loan, khi thấy hoạt động kinh doanh thua lỗ, Tập đoàn Itochu đã rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp, dù nhà máy chưa kịp vận hành thương mại nhưng đến nay vẫn chưa bán được.

Dù có công suất lên tới 9 triệu lít/tháng nhưng sau khi đi vào vận hành được ba tháng (kể từ tháng 4-2012), Nhà máy Ethanol Bình Phước mới sản xuất được 14 triệu lít xăng sinh học (tương đương 1,4 triệu lít/tháng). Việc tiêu thụ cũng khá chật vật khi thị trường trong nước gần như đóng băng, các địa điểm bán xăng sinh học của Bình Phước tới nay cũng chỉ hoạt động… cho có.

Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông buộc phải tìm kiếm lối thoát nhờ việc xuất khẩu tới các thị trường Philippines, Trung Quốc,… với giá khoảng 650-700USD/m³. Thêm nữa, nguồn mì tươi phải mua với giá cao trong khi hàm lương tinh bột thấp, hoặc không có để mua cũng là yếu tố khiến nhà máy đóng cửa.

Theo tính toán, để sản xuất một lít xăng sinh học, chỉ tính riêng biến phí (nguyên liệu, nhân công…) phải mất tới 14.000 đồng. Vì vậy, giá xăng sinh học bán ra ít nhất phải có giá từ 14.000đồng/lít trở lên thì nhà máy mới có thể vận hành. Hiện nay, mặc dù “trùm mền”, Nhà máy Ethanol Bình Phước vẫn phải trả từ 8-10 tỉ đồng lãi ngân hàng mỗi tháng. Hơn 150 nhân công của nhà máy đã được cho nghỉ.

Từ cuối tháng 8-2014, UBND tỉnh Bình Phước đã có buổi làm việc với Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông cam kết sẽ hỗ trợ về mặt thủ tục, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới là Công ty Toyo Thai new energy Pte. Ltd trở thành cổ đông của Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông thay thế cổ đông Itochu (Nhật Bản) xin rút vốn. Giải quyết được khó khăn về vốn, Nhà máy Ethanol Bình Phước sẽ đi vào hoạt động khi cả nước sử dụng xăng nhiên liệu sinh học theo đề án của Chính phủ.

Lãnh đạo Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông cho biết, cổ đông Itochu xin chuyển nhượng vốn góp trong khi còn nợ 4,1 triệu USD chưa góp theo lộ trình (quá thời hạn 36 tháng). Vấn đề này đại diện Công ty Toyo Thai new energy Pte. Ltd TTNE cam kết: Nếu được trở thành cổ đông, nhà đầu tư sẽ đóng góp ngay 4,1 triệu USD thay cho Itochu; giúp công ty vay vốn từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo cán bộ để nhà máy hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay việc hợp tác vẫn chưa thành hiện thực và nhà máy vẫn trong tình trạng “trùm mền”.

Trong khi đó, thị trường vẫn còn rất thờ ơ với xăng E5, khiến cơ hội tìm đầu ra cho nhà máy vẫn còn rất mỏi mệt.

Nhà máy đóng cửa, nông dân gặp khó

Bình Phước hiện có trên 16.000ha mì, sản lượng mì tươi toàn tỉnh hàng năm đạt trung bình 370 ngàn tấn. Hiện nay giá thu mua mì tươi trung bình 1.500 – 2.000đồng/kg. Từ khi đi vào hoạt động tới nay Nhà máy Ethanol Bình Phước mới tiêu thụ được 35.000 tấn mì (bao gồm cả mì nhập khẩu từ Campuchia), trong khi năng lực của nhà máy có thể tiêu thụ tới 240.000 tấn mì/năm. Nay khi nhà máy ngừng hoạt động, nông dân phải vất vả mang mì đi nơi khác bán, tốn kém chi phí vận chuyển, nhiều khi bị thương lái ép giá.

Đức Trí
.
.
.