Thị trường bán lẻ trong nước bị “thôn tính”: Không còn là nguy cơ!

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:48
Với việc thị trường bán lẻ của Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa vào tháng 1-2015 và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, làn sóng đầu tư của các DN, tập đoàn phân phối với qui mô vốn lớn từ các nước vào ngành bán lẻ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều. Khả năng mất thị trường bán lẻ, đồng nghĩa với lệ thuộc về sản xuất của Việt Nam đang là nguy cơ hiện hữu.


Theo ThS. Đặng Chương Linh - Viện Nghiên cứu Thương mại: Các giao dịch mua bán – sáp nhập (M&A) đã tăng trưởng một cách đáng kể trong những năm gần đây, bởi đây là “lối tắt” nhanh nhất để các DN nước ngoài có lợi thế rất lớn về vốn, kinh nghiệm thâu tóm được yếu tố cuối cùng mà họ thiếu để thâm nhập thị trường – đó là hệ thống phân phối. 

Nếu năm 2005 chỉ có 18 vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD, thì sau đó 10 năm, Việt Nam có tổng cộng 525 thương vụ, có giá trị trên 4,3 tỷ USD, tăng vọt 40% so với năm 2014, trong đó lĩnh vực bán lẻ chiếm khoảng 36% tổng số vụ M&A. Hầu hết các vụ M&A lớn nhất đều là DN nước ngoài thâu tóm, còn DN Việt Nam vào vai người bị thâu tóm.

Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc nổi lên với hàng loạt thương vụ, điển hình là việc Aeon (Nhật) cùng lúc mua lại 30% cổ phần Fivimart và 49% của Citimart. Hay Lotte (Hàn Quốc) cũng đã bất ngờ công bố nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần. Power Buy thuộc Central Group của Thái Lan đã mua lại 49% của hệ thống điện máy Nguyễn Kim. Trong ngành sữa, VinaCapital và Daiwa PI Partners mua 70% cổ phần của Sữa Quốc tế (IDP) với giá 45 triệu USD. Kinh Đô đã hoàn tất bán lại 80% cổ phần của mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez, thu về gần 7.800 tỷ đồng… 

Theo TS Ngô Tuấn Anh – ĐH Kinh tế quốc dân, chỉ với 2 thương vụ mua lại Metro và Big C, 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái. Năm 2015, người Việt đã chi tổng cộng 8,3 tỷ USD nhập khẩu hàng hoá Thái Lan. Quý 1/2016, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng 1,8 tỷ USD. Và con số này được dự đoán sẽ chưa ngưng lại.

Với việc thâu tóm Big C, 50% thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam đã vào tay người Thái.

Các DN nước ngoài có tiềm lực rất mạnh trên mọi phương diện như vốn, kinh nghiệm thương trường, nhân sự và công nghệ quản lý; với ý đồ khá rõ ràng, đó chính là từng bước thâm nhập và tiến đến chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt thúc đẩy xuất khẩu thông qua mạng lưới bán lẻ của mình vào thị trường mới. 

TS. Nguyễn Thanh Bình - Học viện Ngân hàng chỉ ra một thực trạng: Sau khi các hệ thống bán lẻ Việt rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, sản phẩm của các công ty Việt rất khó có cơ hội vào kênh bán lẻ hiện đại. Bằng chứng là sau khi Tập đoàn bán lẻ BJC của Thái mua lại hệ thống Metro, hàng của nước này đã dần phủ các kệ hàng. 

“Một số công ty Việt than thở sau khi Metro rơi vào tay người Thái, hàng hóa của họ đưa vào hệ thống siêu thị này giảm hẳn. Dù họ không tuyên bố không nhập hàng, nhưng có rất nhiều cách hạn chế, như yêu cầu tăng chiết khấu, chậm thanh toán tiền hàng… Chính vì vậy nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị được 10 phần thì nay giảm chỉ còn hai, ba phần” – TS Nguyễn Thanh Bình cho biết.

TS Ngô Tuấn Anh cho rằng ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài và xu hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh hơn. Nguyên nhân do sự hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam vào kinh tế thế giới, triển vọng M&A sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bởi một số chuyển động chính sách gần đây như: Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi cải thiện sự an toàn cho các khoản đầu tư của nhà đầu tư ngoại. Chính phủ nới tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực... 

Việt Nam hiện xếp hạng 116/188 quốc gia về mức độ bảo vệ nhà đầu tư, nhưng với luật mới thì thứ hạng này của Việt Nam sẽ tăng lên tương đương các nước ASEAN - 6, tức có thể tăng 50 bậc, nếu các nước khác không có thay đổi. Điều này có tác động mạnh mẽ tới niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam. Với xu hướng này, sẽ không tránh khỏi sự thâm nhập của hàng ngoại. Khả năng Việt Nam mất ngành sản xuất và trở thành địa chỉ tiêu thụ hàng ngoại là hiện hữu.

Người tiêu dùng mua sắm trong siêu thị Big C. Ảnh: Khả Hòa.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng không thể đi trái với quy luật mà nhắm mắt ủng hộ hàng Việt, trong khi hàng ngoại tốt hơn, giá rẻ hơn. Cho nên, gốc của vấn đề vẫn là các DN nội phải nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành, xây dựng được sản phẩm bán lẻ với dịch vụ chất lượng cao. Các DN trong nước cũng đã có những bước rục rịch đầu tiên của Saigon Coop-mart hay Vinmart, dù vẫn là quá chậm so với thế giới. 

Trong lúc có thời gian để DN nội lớn lên, Nhà nước phải có những bước đi đúng hướng và hợp lý cũng như các biện pháp quản lý hoạt động M&A trong lĩnh vực bán lẻ một cách hiệu quả. 

Một mặt, nhà nước kiểm soát tốt và xây dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bền vững, mặt khác khuyến khích, tạo nên những DN lớn, mạnh thông qua việc sáp nhập từ các DN vừa và nhỏ hiện nay của Việt Nam. Việc xây dựng bộ tiêu chí và hướng dẫn các địa phương khi sử dụng công cụ “Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)” nhằm khống chế số lượng mở điểm bán mới đối với các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đang đặt ra cấp bách, khi công cụ này Việt Nam đã không hề sử dụng trong suốt hàng chục năm qua.

Nam Phương
.
.
.