Chữ tâm của một doanh nhân - cựu binh với người lao động vùng biên cương Tây Nam bộ

Thứ Hai, 13/01/2020, 16:04
Cựu chiến binh Lê Hữu Có, Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Thuận An Giang đã giải quyết việc làm cho nhiều bà con nghèo vùng biên giới với mức thu nhập ổn định và chăm lo chu đáo đời sống người lao động. 

Những ngày giáp Tết với nhiều doanh nghiệp, công ty thì việc trả lương, thưởng cho công nhân, lao động là một gánh nặng. Ngoài ra, còn phải lo thêm việc tuyển lao động vì năm nào cũng diễn ra tình trạng công nhân bỏ việc sau Tết. Tuy nhiên, đối với cựu chiến binh Lê Hữu Có, Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Thuận An Giang thì những việc này nhẹ tênh vì ông đã chuẩn bị sẵn trong quá trình hoạt động hàng ngày của công ty…

Xuất ngũ vào năm 1986, lúc bấy giờ ông Lê Hữu Có mang khát khao của chàng thanh niên đôi mươi về Kiên Giang lập nghiệp. Không định hướng được ở xứ biển, ông Có đi làm thuê tại một công ty bột cá ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Đến năm 2012, công ty mà ông Có đang lao động gặp nhiều vấn đề trục trặc nên bán lại. 

Ông Lê Hữu Có (áo trắng) xem người lao động như người nhà của mình. 

Vốn bản lĩnh bộ đội cụ Hồ, nên trong thời gian làm công nhân ông Có đã học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Tìm hiểu, thấy rằng có thể cứu vãn những khó khăn của công ty đang gặp phải nên ông Có đã cùng một số người bạn mua lại nhà máy. Sau thời gian hơn 1 năm vượt qua nhiều sóng gió, nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả và có những bước tiến trong công nghệ và dây chuyền sản xuất.

Đến năm 2015, ông Có đi du lịch cùng gia đình ngang xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) thấy một vùng đất hoang hóa, phèn mặn, nhà cửa người dân thưa thớt. “Tôi cũng không hiểu tại sao khi đi ngang Tri Tôn bản thân lại cảm thấy rất muốn gắn bó với vùng quê này. Đi sâu tìm hiểu, tôi đánh giá nguồn nguyên liệu là rất dồi dào và giá thành thấp từ vùng biển Kiên Giang. Đắn đo ít hôm, tôi quay lại vùng đất này và quyết định thành lập công ty sản xuất bột cá Hải Thuận An Giang tại đây” – ông Có chia sẻ.

Thấy rõ những khó khăn vất vả của người dân vùng biên giới, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động phải rời gia đình đi lao động tại các khu công nghiệp Bình Dương, TP Hồ Chí Minh hoặc đi biển. Với vai trò là người đứng đầu công ty, mong muốn được sử dụng nguồn lao động tại địa phương, ông Có hoạch định chiến lược thu hút lao động quay về địa phương với việc trả lương bằng và cao hơn tại các khu công nghiệp. 

Đồng thời, triển khai xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân trong khuôn viên công ty. “Tôi chọn Lương An Trà đầu tư vì ngoài lý do thuận tiện trong kinh doanh, còn vì muốn giúp người nghèo nơi đây có việc làm ổn định... Ngày xưa, tôi cũng từng nghèo khó được giúp đỡ mà có được ngày nay. Vì vậy, giờ tôi luôn xem và ứng xử với công nhân là “người một nhà”- ông Có chia sẻ. Giờ đây, với gần 100 công nhân làm việc trực tiếp tại công ty nhưng có trên 90% là người địa phương.

Người lính năm xưa đã tạo công ăn việc làm cho lao động vùng biên, có thu nhập ổn định. 

Anh Hứa Minh Hiếu (SN 1984) vốn là dân gốc ở An Biên, tỉnh Kiên Giang “lạc trôi” đi làm thuê khắp nơi, không ổn định. Khi ứng tuyển vào công ty, biết chuyện, ông Có bố trí cho anh Hiếu ở miễn phí trong nhà ở tập thể. Nền gạch men bóng, mỗi phòng đủ diện tích để bố trí giường ngủ, nơi tiếp khách và cả khu bếp mini, nhà vệ sinh riêng... “Mặc dù vợ tôi chỉ ở nhà nuôi 2 con nhỏ nhưng chú Có cho cả gia đình tôi một phòng ở rộng rãi, gia đình đoàn tụ, từ đó tiết kiệm được 1,5 tiền trọ. Mỗi tháng chú Có còn hỗ trợ tiền học cho con tôi 1 triệu đồng. Ơn chú Có gia đình tôi mới có được như hôm nay” – anh Hiếu chia sẻ.

Nhờ cùng lao động tại công ty Hải Thuận An Giang với mức lương trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng mà vợ chồng anh Lê Văn Xô, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà) vừa xây dựng căn nhà khang trang. Nằm ngay trên con lộ Tri Tôn đi Hòn Đất, Hà Tiên (Kiên Giang), căn nhà của vợ chồng anh Xô, chị Oanh nổi bật trong địa bàn bởi kiến trúc đẹp, khang trang... 

Với anh chị Xô, căn nhà còn có ý nghĩa hơn khi đây là lần đầu tiên cặp vợ chồng đã bước qua tuổi 50 mới có được ngôi nhà của chính mình sau nhiều năm ăn nhờ, ở đậu, hoặc sống qua ngày trông căn chòi tạm bợ. “Với mức lương mà chú Có trả, vợ chồng tôi cũng như nhiều anh em lao động khác chưa từng mơ ở vùng này. Tằn tiện ăn uống, mỗi tháng, vợ chồng tích lũy được hơn 8 triệu đồng. Cộng thêm tiền thưởng lễ, tết, cuối năm dư được 150 triệu đồng. Cất xong nhà, còn sắm được đồ đạc”- anh Xô cười tít mắt.

Chưa hết, khu vực nhà của anh chị Xô rất thưa dân cư, dân lại nghèo nên ngành điện chưa bố trí bình hạ thế... Khi biết được điều này, ông Có đã đầu tư bình hạ thế gần 100 triệu đồng để gia đình anh Xô và nhiều hộ dân khác sử dụng, với mức giá thu “tượng trưng”. 

“Công ty Hải Thuận An Giang đã giải quyết việc làm cho nhiều bà con nghèo của địa phương với mức thu nhập ổn định và chăm lo đời sống cho người lao động chu đáo. Qua đó, góp phấn thúc đẩy sự phát triển và gợi mở cho địa phương thuần nông nhiều bài học về hướng giải quyết việc làm trong thời gian tới” – ông Lê Văn Dùm, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà, cho biết.

Chia sẻ thêm về sự phát triển bền vững của ngành hàng bột cá, ông Có nói ngắn với 3 tiêu chí: “Cam kết chất lượng, không bột ảo – Bám sát quy trình sản xuất, giữ vững chất lượng – Bằng mọi giá không đánh đổi môi trường”. Từ tư duy trên, ông Có sang Thái Lan để học hỏi, cập nhật công nghệ, đầu tư thêm hệ thống máy sấy và lò hơi với quy trình sản xuất khép kín, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường. 

TS Nguyễn Trần Thiện Khánh (Trường Đại học An Giang), sau khi tham khảo hồ sơ đánh giá tác động môi trường của cơ quan chức năng công nhận mẫu nước, khí thải của nhà máy, tham quan dây chuyền sản xuất của công ty cho biết, nhà máy sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại Thái Lan, nên vượt trội so với nhiều nhà máy cùng loại trong khu vực ĐBSCL, thậm chí còn vượt trội hơn nhiều cơ sở chế biến bột cá tại Thái Lan mà TS Khánh có dịp biết trong thời gian học tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT).

“Do cơ sở chuyên cung cấp bột cá cho các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản vốn đòi hỏi nguyên liệu thật tươi, tức phải đưa cá vào sấy ngay nên nhà máy không có mùi tanh và rất ít nước thải - chủ yếu có từ khâu rửa sàn. Trong khi đó, trên thực tế, nhà máy thiết kế hệ thống xử lý nước thải với 10 công đoạn liên hoàn. Ngoài ra, nhà máy còn hiện đại hơn khi sử dụng công nghệ làm nguội khí thải bằng khí đối lưu nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, TS Khánh đánh giá.

Trần Lĩnh - Văn Đức
.
.
.