Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân
- Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 150 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh
- Nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết trong hội nhập
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp Bộ Công an
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một báo cáo triển vọng kinh tế mang tính dài hạn, định hướng tầm nhìn 20 năm. Báo cáo đặc biệt quan trọng với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Các DN Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược, lâu dài chứ không chỉ là một tầm nhìn ngắn trong vài ba năm tới.
Theo đó, việc báo cáo đã đưa ra 6 định hướng để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, gắn với sự phát triển của DN, đều có vai trò của doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân là cốt lõi.
Kinh tế tư nhân cần được coi trọng đúng mức để nâng cao năng lực cạnh tranh. |
Chủ tịch VCCI khẳng định: Vai trò của doanh nhân trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới là rất quan trọng. Song để phát triển doanh nhân, DN tư nhân thì thể chế rất quan trọng. “Thể chế nào doanh nghiệp đó. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nhưng doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực cải thiện, thay đổi thể chế, đây là một mối tác động hai chiều”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng XII đã có những định hướng rất quan trọng và được nêu trong Báo cáo 2035: Xác định DN là nòng cốt, đi đầu, tiên phong trong phát triển nền kinh tế. Để hướng tới một Chính phủ chuyên nghiệp phải có thời gian, mỗi người hướng đến người dân và DN để làm tròn bổn phận của mình.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, hiện nay khu vực tư nhân cũng đang đóng vai trò mạnh mẽ ở Việt Nam, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đang hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nhiều DN mong manh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cho dù có cơ hội phát triển. Do vậy, một trong những yếu tố trong quá trình chuyển đổi kinh tế là xây dựng nền tảng tư nhân mạnh mẽ, dẫn đầu trong kinh tế Việt Nam.
Do đó, cùng với phát triển kinh tế tư nhân, cần thúc đẩy cải cách thể chế. Bà Victoria Kwakwa cho rằng sự phát triển của tư nhân đòi hỏi Chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, xác định chính sách hỗ trợ cho DN tư nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thể chế, tạo ra mô hình nhà nước mới, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và giải trình....
Trong Báo cáo 2035 đặt ra mục tiêu, với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng, trước thời cơ chuyển đổi hiện nay, nếu quyết tâm nỗ lực thì trong 20 năm nữa, Việt Nam có thể đuổi kịp được mức phát triển của Hàn Quốc năm 2000, còn nếu không quyết tâm thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Vai trò của doanh nhân rất quan trọng trong phát triển kinh tế. |
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nếu như vào thế kỷ XIX, kinh tế Việt Nam ngang bằng, thậm chí vượt nhiều quốc gia trong khu vực, thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tụt hậu, bị bỏ lại rất xa. Nguyên nhân chính là những bất cập về thể chế. Do vậy, nếu không cải cách thể chế thì Việt Nam còn bị bỏ xa hơn nữa.
“Thông điệp quan trọng nhất của báo cáo này là đổi mới, đổi mới mạnh mẽ, liên tục đổi mới là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển”, ông Vịnh nói.
Theo báo cáo, “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách dựa trên các vấn đề nêu trên”.
Theo đó, báo cáo khép lại với nhận định đầy lạc quan: “Chúng tôi tin rằng, những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới này”.