Minh bạch, cởi mở với doanh nghiệp tư nhân

Thứ Bảy, 04/06/2016, 06:57
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) được tổ chức ngày 3-6 tại Hà Nội đã đưa ra 7 ngành nghề và 3 lĩnh vực đang được coi là nóng nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, được các doanh nghiệp đưa ra thảo luận và có phản hồi của cơ quan quản lý. 

Tại đây, ngoài các diễn giả trong và ngoài nước hơn 500 doanh nghiệp (DN), tư nhân Việt Nam sẽ cùng nhau trao đổi để đánh giá khách quan thực trạng và nội lực của khu vực kinh tế tư nhân, qua đó tìm ra tiếng nói chung về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và lợi thế mà khối này đã và đang đối mặt.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 500 nghìn DN tư nhân, đang tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, chiếm 51% lực lượng lao động cả nước và đóng góp trên 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ lập cơ chế tham vấn và đối thoại thường xuyên với DN.  

Với lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam đươc tổ chức, ông Quân nhấn mạnh mục đích của diễn đàn là thảo luận làm thế nào để giúp DN tư nhân Việt Nam khắc phục được yếu kém, phát huy hết nội lực để vươn lên mạnh mẽ.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân sẽ tập hợp và đề xuất các giải pháp chiến lược cho phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, cũng như thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên trên tinh thần hợp tác giữa khu vực kinh tế tư nhân với Chính phủ và các đối tác trong, ngoài nước để hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Đây là dịp quan trọng để Chính phủ lắng nghe các ý kiến trực tiếp từ đội ngũ doanh nhân để tiếp thu và trình Quốc hội những chủ trương chính sách để đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay Việt Nam có hơn 900.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng thực tế chỉ có hơn 500 nghìn doanh nghiệp đang hoat động. Mục tiêu của Chính phủ là 4 năm nữa, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn DN, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, hiện nay, nhiều DN thành công, nhiều ngành thành công, tuy nhiên, xét trên bình diện quốc gia, năng lực cạnh tranh thấp, nguồn nhân lực nhiều bất cập, năng suất thấp lại tăng chậm, hàm lượng sáng tạo thấp, tăng trưởng không bền vững.

Qua đó, DN cũng thấy được những yếu kém trong quản trị quốc gia và quản trị kinh doanh, chuẩn mực văn hoá dịch vụ công và văn hoá kinh doanh đang hình thành, yếu về quy trình, về chuẩn mực, về năng lực thực hành.

Do vậy, DN trông đợi Chính phủ chủ động nâng cao năng lực quản trị của chính quyền, nhân tố chủ đạo để kinh tế phát triển, đồng thời cần liên tục cải thiện về nhận thức, văn hoá, chuẩn mực hành chính công, đối xử minh bạch, cởi mở với DN tư nhân, xoá bất cập, bất lợi vì DN.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải cho rằng, cần phải xác định rõ công nghiệp là ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, là thành tố cơ bản của nền kinh tế và là nhân tố sống còn đối với sự phát triển của nền kinh tế nói riêng và phát triển xã hội nói chung của một quốc gia.

Kinh tế trưởng của World Bank Việt Nam Sandeep Mahajan cho rằng, nền móng về thể chế của một nền kinh tế thị trường phát triển hiện chưa có; thị trường vốn và đất đai chưa phát triển lại chịu tác động của quyết định hành chính tuỳ tiện thường thiên vị những người có quan hệ, năng suất lao động thấp trong khu vực nông nghiệp, đặc biệt là liên kết trong chuỗi giá trị yếu giữa các DN trong nước với nhau và DN nước ngoài, gây cản trở chuyển giao bí quyết và công nghệ.

Do vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tăng năng suất lao động của khu vực tư nhân trong nước, tập trung vào tăng cường thể chế vi mô của nền kinh tế thị trường đảm bảo quyền tài sản tư; hoàn thiện và thực thi chính sách cạnh tranh tốt hơn.

Phản hồi ý kiến DN về vấn đề làm thế nào để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm khẳng định, tư nhân phải là động lực chính. Mới đây, ngày 26-5, Bộ TT&TT đã làm việc với Hội DN trẻ Việt Nam, và 2 bên đã cam kết thực hiện 1 số nội dung là thiết lập cơ chế tham vấn đối thoại giữa DN tư nhân và Bộ TT&TT, xây dựng cơ chế tương tác nhanh hiệu quả để giải quyết kịp thời khó khăn cho DN, đồng thời đánh giá hạn chế, bất cập còn tồn tại nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của CNTT.

Theo đó, Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng cơ quan chức năng cộng đồng DN, trong các hoạt động thúc đẩy, ưu đãi, bảo vệ bản quyền phần mềm, cấp vốn... Tiếp tục hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho các DN CNTT và chú trọng đầu tư cho các DN trẻ có tính sáng tạo, năng động. Hỗ trợ phát triển kinh tế số, môi trường hoạt động cho các DN kinh tế số. Thiết lập hệ sinh thái năng động cho DN tư nhân.          

Lưu Hiệp
.
.
.