Tái cơ cấu cần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Chủ Nhật, 20/12/2015, 09:03
Đánh giá trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tới là tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân để tận dụng lợi thế lao động, các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng giải pháp chính là khuyến khích khu vực tư nhân, vì tiềm năng tạo việc làm của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã không còn nhiều.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): về hội nhập, chúng ta đi quá nhanh với việc ký kết liên tiếp các Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác hàng đầu thế giới, nhưng điều đó là tất yếu và Việt Nam không có lựa chọn khác. “Đây là cơ hội để tạo ra đa dạng hóa phương thức sản xuất, song thể chế phải đủ linh hoạt để du nhập và hiện thực hóa sáng kiến và ý tưởng mới. Thể chế nào doanh nghiệp (DN) đó, vì thể chế hiện nay không cho DN làm lớn được, không khuyến khích DN làm lớn. Khi luật pháp chưa bảo vệ được tài sản của họ thì họ không làm, hoặc làm nhỏ hoặc đi tìm mối quan hệ khác để bảo vệ tài sản. Việt Nam không thể hội nhập bằng loại DN thân hữu, đầu cơ, khai thác địa tô và tài nguyên. Nếu ta không thay đổi, không cải cách đủ mạnh và nhanh cần thiết thì khó mà hội nhập”, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (CIEM) nhận định: hiện nay nguồn lực Nhà nước đang ngày càng hạn chế, thâm hụt ngân sách nặng nề, chi đầu tư cho phát triển giảm và tỷ lệ nợ công tăng sát trần, năng suất lao động thấp. Trong khi đó, Việt Nam đứng trước những đòi hỏi khổng lồ về đầu tư cải thiện hạ tầng, khả năng cung cấp điện, chất lượng đường bộ, hàng không, đường sắt, cảng biển… Tình thế eo hẹp này khiến tương lai nền kinh tế phụ thuộc lớn vào kết quả tái cơ cấu. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, việc thực hiện tái cơ cấu được các chuyên gia đánh giá chưa cao, mới cải thiện ở bề nổi.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright): đánh giá tái cơ cấu trên 3 khía cạnh, thì về các văn bản, từ luật, nghị định, thông tư, quyết định, đề án… đã có rất nhiều; đánh giá trên một số chỉ tiêu định lượng vĩ mô cũng đã có cải thiện như tỷ lệ bị đội vốn của các dự án đầu tư công giai đoạn 2012 – 2015 so với giai đoạn trước có giảm; tỷ lệ cổ phần hóa DNNN so với giai đoạn trước cũng là tăng tốc, đầu tư ngoài ngành thấp hơn...; hệ thống ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn, khả năng chi trả đều được cải thiện… Tuy nhiên, cải cách này sinh ra chủ yếu do mệnh lệnh hành chính, tức là do các văn bản luật pháp mới ban hành dẫn đến thay đổi luật chơi, thay đổi thể chế thị trường. Các thay đổi này chỉ xuất hiện trong ngắn hạn. Còn về chất, như hiệu quả từng dự án, tỷ suất sinh lợi của từng dự án không cải thiện...

Dù nhận định tái cơ cấu khu vực ngân hàng tốt hơn khu vực DNNN, nhưng TS Nguyễn Xuân Thành vẫn cho rằng nhìn sâu vào hệ thống ngân hàng, thấy rủi ro ngắn hạn lớn nhất với kinh tế vĩ mô chính là khu vực này. Nợ xấu giảm do đã chuyển sang VAMC, tức là nếu không có VAMC thì tỷ lệ nợ xấu là 7,6% chứ không phải 2,9%, chưa kể những khoản khác chưa “lộ” ra. Chỉ đạo của Chính phủ là không để hệ thống nào đổ vỡ, phá sản, nhưng đi sâu 9 ngân hàng yếu kém thì chỉ 1 ngân hàng đã hoạt động lành mạnh, còn lại toàn bộ vẫn như vậy và phải tiếp tục tái cơ cấu. Đồng tình với việc nguy cơ tiềm ẩn còn cao, TS Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư; tốc độ cổ phần hóa còn chậm, những ưu đãi cho DNNN vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường; quá trình xử lý nợ xấu kéo dài và cơ chế xử lý nợ xấu thiếu minh bạch. Những vấn đề cốt lõi của thể chế kinh tế chưa được chạm đến, nên chưa thể tạo ra động lực cho sự phát triển.

Trái ngược với nhiều quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng chúng ta có nhiều nguồn lực lớn, nếu sử dụng hiệu quả chắc sẽ bùng nổ, như tiềm năng về lao động. Tuy nhiên, nhiều cơ hội đầu tư của ta đang bị đè nén, sáng tạo sáng kiến đang bị kìm hãm, lao động dồi dào nhưng năng suất lao động thấp. “Việt Nam không phải là quốc gia thiếu tiền, mà là sử dụng nguồn lực kém hiệu quả. Và đó là vấn đề của tái cơ cấu” – ông Cung khẳng định. Mục tiêu tái cơ cấu năm 2016 – 2020, theo chuyên gia của CIEM, thì tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân là ưu tiên hàng đầu, trong đó DN tư nhân và DN nhỏ và siêu nhỏ là công cụ then chốt; bởi hiện nay khả năng tạo việc làm của DNNN trong khu vực chính thức ngày càng nhỏ hơn rất nhiều.

Nam Phương
.
.
.