Làm thế nào để kêu gọi vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp?
- Khó khăn khởi nghiệp trong nông nghiệp
- Tọa đàm trang bị hành trang khởi nghiệp cho sinh viên Học viện CSND
- Thúc đẩy hợp tác công nghệ, nông nghiệp cao và khởi nghiệp giữa Việt Nam- Israel
Chị Nguyễn Thị Hiếu, chủ trang trại nấm linh chi Đất Thép ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình: Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin và sau 4 năm làm việc, chị bị thoát vị đĩa đệm cột sống, bị liệt một phần cơ thể khiến chị không thể di chuyển.
Khởi nghiệp bằng sản phẩm làm từ xơ mướp với thương hiệu Vi Lâm. |
Nghĩ mình đang là gánh nặng của gia đình, chị rất chán nản và nghe ai mách bảo loại thuốc nào chữa được bệnh, chị cũng đều tìm cho bằng được. Một lần, Hiếu uống linh chi do một người bạn tặng, thấy bệnh thuyên giảm nên duy trì uống loại dược liệu quý này.
Kết quả thật bất ngờ ngoài mong đợi, chị đã di chuyển trở lại bình thường. Kể từ đó, loại “thần dược” này đã ám ảnh Hiếu và chị đã cất công tìm tòi, mày mò, tham khảo các tài liệu có liên quan. Quyết tâm khởi nghiệp với loại sản phẩm độc đáo này, Hiếu bỏ thời gian đi làm không công tại một trại nấm để học hỏi. Sau khi tích lũy đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, Hiếu chính thức thành lập trang trại nấm linh chi vào năm 2013.
Từ đó đến nay, Hiếu đã đổ vào dự án khoảng 1,5 tỷ đồng vay của người thân, ngân hàng... Hiện, trang trại nấm của chị đã cung cấp ra thị trường sản phẩm cao nấm linh chi đỏ, linh chi hòa tan có bổ sung thêm các loại thảo dược khác thay vì 100% nấm linh chi đỏ. Sản phẩm của chị được nhiều người tiêu dùng (NTD) biết đến.
Để khởi nghiệp với vườn rau Ước Mơ Xanh, chị Nguyễn Thị Đào cho biết, vợ chồng chị đã thuê 3.000 hécta đất ở Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Sau đó lấy mẫu đất, mẫu nước để đi kiểm nghiệm không có các kim loại nặng mới tiến hàng trồng các loại rau ăn lá. Khi trồng, tuyệt đối không không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào nên rau không đẹp bằng rau thông thường, trong khi giá lại cao.
“Thời gian đầu khởi nghiệp, tụi em phải nhổ bỏ liên tục vì NTD chưa quen tiêu thụ các loại rau hữu cơ. Tụi em cắt từng bó rau đến từng nhà dân để biếu tặng và giới thiệu mình là sinh viên khởi nghiệp. Cho thì họ nhận, nhưng vẫn không bán được. Gần 2 năm duy trì, đến nay, sản phẩm rau của Ước Mơ Xanh cũng đã từng bước được NTD chấp nhận nhưng thị phần vẫn còn hạn chế. Rau tiêu thụ chủ yếu qua kênh bán hàng online và Phiên chợ Xanh tử tế (do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp - BSA tổ chức). Rau sạch khó tiêu thụ được là do tâm lý hoài nghi của khách hàng”, chị Đào bộc bạch.
Định hướng cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cho rằng, xu hướng chung của thế giới hiện nay là người ta muốn loại thực phẩm tốt, an toàn cho sức khỏe, tốt cho sắc đẹp và sống lâu. Người Việt Nam cũng mong đợi xu hướng này. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa theo xu hướng này. Vì vậy, Việt Nam là đất nước nông nghiệp thì các bạn trẻ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là đúng đắn.
Để khởi nghiệp thành công, các DN trẻ phải khai thác được sở trường, thế mạnh của mình. Theo ông Viên, hiện nay sản xuất nông nghiệp có 2 trường phái là “nông pháp hóa học” và “nông pháp không hóa học”. Với “nông pháp không hóa học” là tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Với phương pháp này, kết quả sản phẩm làm ra chắc chắn sẽ tuyệt hảo hơn so với “nông pháp hóa học”.
Phương pháp của "nông pháp không hóa học" xuất phát từ việc sử dụng vi khuẩn, vi sinh vật có lợi, do đó người sản xuất cần tìm các loại vi khuẩn giàu protein, enzim… “Lý do mà tôi đầu tư mạnh vào cho một bạn khởi nghiệp là vì bạn đó rất dũng cảm canh tác không hóa học”, ông Viên chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, để dễ kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn vào DN khởi nghiệp thì các bạn trẻ phải chứng minh được dự án phải thực tế, phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường.
Điển hình như dự án nuôi trùn quế của bạn Lê Minh Vương - Trưởng nhóm Thế hệ ưu tú. Theo Vương, trùn quế ngoài tác dụng cải tạo đất, phân hữu cơ từ trùn quế có tác dụng giúp phòng, kháng bệnh, và làm tốt các loại cây trồng. Ngoài ra, thức ăn của trùn quế là những phụ phẩm bỏ đi từ nhà máy mía, bia, các ao nuôi tôm, các loại phân bò, heo, gà…, giúp làm sạch môi trường, trong khi đầu vào nguyên liệu nuôi trùn quế không tốn kém.
Bà Lê Hồng Minh – thành viên Hội đồng quản trị Quỹ khởi nghiệp Việt Nam (SVF) cho biết, nguồn vốn của SVF chính là từ các DN đã khởi nghiệp thành công, vì vậy đối tượng SVF hỗ trợ sẽ là các thanh niên trẻ có ý tưởng khởi nghiệp với kế hoạch cụ thể và các DN hoạt động trong lĩnh vực khác muốn làm nông nghiệp. Trong đó, Quỹ sẽ chú trọng nhiều vào các mô hình sản xuất giống công nghệ cao, phân bón chế phẩm sinh học, cây dược liệu và quy trình bảo quản sau thu hoạch. SVF đang hỗ trợ 15 dự án, trong đó 80% là nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao cũng nêu những điều kiện để các bạn trẻ khởi nghiệp lưu ý khi muốn tham gia vào trung tâm: "Thứ nhất, nếu các bạn có ý tưởng, có kết quả nghiên cứu khoa học muốn thành lập DN phải có kế hoạch kinh doanh khả thi, có hội đồng độc lập thẩm định kế hoạch kinh doanh đó. Thứ hai, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động chưa quá 2 năm muốn hoàn thiện và phát triển sản phẩm mới trong nông nghiệp. Thứ ba, các DN hoạt động trong lĩnh vực khác muốn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, và có kế hoạch kinh doanh khả thi".
Theo ông An, các lĩnh vực mà Trung tâm đang cần mời gọi là: canh tác sản xuất thương phẩm giống ứng dụng công nghệ cao; sản xuất phân bón chế phẩm sinh học; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất các giống cây hoa, lan; sản xuất cây dược liệu; công nghệ sau thu hoạch...