Khó khăn khởi nghiệp trong nông nghiệp

Thứ Bảy, 25/03/2017, 08:13
Với mục tiêu tạo động lực để các lực lượng trẻ, năng động, yêu thích ngành nông nghiệp tìm hiểu những kiến thức, kinh nghiệm để tự thân lập nghiệp, ngày 23-3, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức “Diễn đàn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”. 


Việt Nam với hơn 70% là nông nghiệp, nhưng thanh niên có xu hướng chuyển từ nông thôn lên thành thị để làm các ngành nghề khác nhau, đã gây khó khăn cho việc phát triển nông nghiệp. 

Vì vậy, khởi nghiệp – đặc biệt là khởi nghiệp thanh niên đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn của TP Hồ Chí Minh. Theo Quyết định 3907 của UBND TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (DN), mục tiêu đến năm 2020 xây dựng DN TP có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, có ít nhất 500.000 DN hoạt động. 

Trong đó, Sở NN&PTNT phấn đấu đạt 1.500 DN trong lĩnh vực nông nghiệp (bình quân mỗi năm thành lập 250 DN nông nghiệp). Nói về những thuận lợi và khó khăn cho việc khởi nghiệp, ông Trần Tấn Quý – Phó Giám đốc Sở NN &PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh với hơn 10 triệu dân, sản phẩm nông nghiệp chỉ đáp ứng tối đa 30% nhu cầu, còn lại nhập từ các tỉnh.

Sản phẩm nông nghiệp khởi nghiệp được giới thiệu đến NTD.

Vì vậy, đây là thị trường lớn để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở NN &PTNT)... là những đơn vị chuyên nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống cây con có chất lượng tốt, cho năng suất cao, có giá trị cao để ra sản phẩm tốt, nên các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận ngành khoa học kỹ thuật phát triển. 

Ngoài ra, nhờ ứng dụng khoa học trong nông nghiệp nên giá trị mang lại rất lớn. Cụ thể, so với vùng Đông Nam Bộ, miền Tây, các tỉnh khác thì giá trị tạo ra trên 1 ha đất của TP Hồ Chí Minh rất cao. Có những loại cây trồng tạo ra giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm, bình quân là 400 triệu đồng/ha. 

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi thì thách thức vẫn còn rất lớn. Đó là việc kiểm soát an toàn thực phẩm chưa triệt để. Ngành nông nghiệp đối mặt với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc hội nhập kinh tế thế giới thì vấn đề chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm là thách thức lớn cho DN.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào khởi nghiệp có rất nhiều khó khăn mà các bạn trẻ đối mặt. Bạn Lê Minh Hồng Phúc - Giám đốc tiếp thị Công ty Tôi là V (kinh doanh mặt hàng tỏi đen) cho rằng, các quy định về thủ tục quá rườm rà phức tạp nên phải mất thời gian đi lại để chỉnh sửa. 

Để sản phẩm ra được thị trường, công ty phải mất 3 tháng để hoàn tất thủ tục. Với sản phẩm độc, lạ được làm từ xơ mướp (giày dép, ví, túi xách...), anh Mạc Như Nhân - Chủ thương hiệu Vi Lâm cho biết hiện anh đang gặp khó khăn tìm “đầu ra” của sản phẩm. 

Chị Nguyễn Thị Đào, khởi nghiệp với “Vườn rau ước mơ xanh”, chuyên cung cấp rau hữu cơ nhưng vẫn than khó vì khả năng tiêu thụ thấp do giá cao, rau xấu... so với rau bán đại trà ngoài thị trường. Sau 2 năm duy trì, nhưng hiện nay sản phẩm của “Vườn rau ước mơ xanh” vẫn không đưa ra nổi thị trường, chỉ phân phối chủ yếu qua kênh Facebook.

Ông Trần Tấn Quý cho biết, nếu có vướng mắc về thủ tục thì các DN khởi nghiệp liên hệ trực tiếp với Sở NN &PTNT để được hướng dẫn, chủ trương của Sở là tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit lưu ý các DN khởi nghiệp: Cần phải có nghiên cứu thị trường trước, khi nào có khách hàng, có thị trường rồi thì mới sản xuất. 

Đặc biệt, sản phẩm làm ra không chạy đua theo số lượng mà quan trọng phải là sự khác biệt. Bởi vì, khi sản phẩm khác biệt thì khách hàng sẽ không dám bỏ mình. Ngoài ra, DN cũng cần chú ý đến tâm lý của người tiêu dùng Việt là chuộng hàng ngoại, theo đó, muốn thành công ở thị trường trong nước thì DN khởi nghiệp cần đưa sản phẩm ra nước ngoài trước. 

Bởi vì, người tiêu dùng ngoại rất tin tưởng Việt Nam còn sản phẩm tự nhiên cao. Vì vậy, DN cần khai thác giá trị này để nâng cao năng lực sản xuất tự nhiên. Và khi đã vững chắc ở thị trường nước ngoài, thì lúc đó DN sẽ quay về trong nước. Đã có nhiều thương hiệu làm theo cách này và gặt hái nhiều thành công, nhất là các lĩnh vực: mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng...

Thúy Hà
.
.
.