Suy ngẫm từ hạt gạo Thái Lan (Kỳ 1)
- Hạt gạo Việt Nam xuất ngoại
- Đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới
- Giữ giá gạo Việt Nam xuất khẩu
- "Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam"
Thành công của hạt gạo Thái Lan trước tiên phải kể tới vai trò của Nhà nước trong xác định lấy ưu tiên phát triển nông nghiệp làm chiến lược cơ bản cho phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Theo TS Phạm Nguyên Minh, năm 1982, Chính phủ nước này định ra “Chiến lược phát triển kinh tế quốc dân lấy hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp làm mục tiêu”.
Tiếp đó là “Quy hoạch tăng cường phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng kỹ thuật mới vào nông nghiệp” (năm 1995) và “Chiến lược nâng đỡ sản xuất nông nghiệp lấy năng suất cao, tăng phụ gia sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp làm mục tiêu phấn đấu” (năm 2000).
Các bộ, ban, ngành đều thành lập các “Ban thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và sản xuất lúa gạo” để thực hiện các chính sách về ưu đãi, nâng đỡ sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo với những biện pháp (như chính sách trợ cấp giá, đầu tư và cho vay…) nhằm phát huy tối đa tính tích cực sản xuất lúa gạo của nông dân.
Hạt gạo Việt Nam còn lắm gian truân để xây dựng thương hiệu. |
Đối với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu, theo TS Minh, gạo thơm Thái Lan có lịch sử trên 100 năm. Năm 1959, Thái Lan đã chính thức công bố các giống lúa gạo nổi tiếng - Thai Hom Mali Rice, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các loại gạo. Gạo “Thai Hom Mali” với tên thương hiệu hiện tại là Khao Hom Mali thung Kula Ronghai là sản phẩm đầu tiên ở Đông Nam Á được đăng ký theo chương trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu.
GS. TS Võ Tòng Xuân kể rằng, với Thái Khao Dawk Mali hay Thai Hom Mali, các nhà khoa học sau khi thống nhất chọn làm thương hiệu, họ ra đồng lựa những nhánh lúa chất lượng nhất đem về làm giống, nhân giống cho nông dân trồng. Sau đó thành lập tiểu ban đánh giá chất lượng gạo quốc gia. Tiếp đến, các chuyên gia về lúa gạo ăn thử các loại gạo xem loại nào thơm, ngon cơm nhất sẽ chọn loại đó làm thương hiệu quốc gia. Thái Lan chỉ chọn ra 3-4 giống lúa với hơn 10 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo.
Trong chiến lược tuyên truyền hàng xuất khẩu thì “gạo Thái” được đặt lên vị trí hàng đầu và Thái Lan đổ nhiều công sức, kể cả tài chính vào công tác quảng cáo. Tất cả các cơ hội như festival, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đều được Thái Lan tận dụng tối đa.
Chính phủ Thái Lan luôn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gạo. |
Thái Lan còn hợp tác với các nước, nhất là các nước ASEAN lập ra các tổ chức như Hiệp hội Lúa gạo, Hợp tác Đối tác trao đổi lúa gạo, Hiệp hội Tiêu thụ gạo... nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các nước, đưa “gạo Thái” thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Không chỉ nhờ có thương hiệu, gạo của Thái Lan rất có uy tín trên thị trường thế giới nhờ khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Cũng là gạo 5% tấm nhưng gạo Thái Lan đồng đều về độ dài, bóng và chỉ tiêu tạp chất chưa đầy 1,5%, giá xuất khẩu thường ở mức trên dưới 600 USD/tấn. Chất lượng gạo xuất khẩu trong các giao dịch quốc tế chịu sự giám sát của Sở Ngoại thương và các tổ chức tiếp thị cho nông dân. Chính phủ Thái Lan luôn khuyến khích nông dân trồng lúa chất lượng cao.
Để nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo, Thái Lan tập trung thực hiện hàng loạt chính sách từ quy hoạch vùng cung ứng nguyên liệu quy mô nhằm giảm giá thành thu mua; đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các loại lúa có chất lượng cao, kể cả việc nhập khẩu loại giống lúa chất lượng cao từ các nước nông nghiệp phát triển; đầu tư vào khâu chế biến, bảo quản.
Hiện Thái Lan có trên 90% cơ sở chế biến gạo quy mô lớn, được trang bị đồng bộ nên chất lượng gạo xuất khẩu cao. Thái Lan rất chú trọng đầu tư vào khâu tiêu thụ, quảng bá và phát triển thương hiệu sản phẩm. Gạo Thái Lan được đóng bao với trọng lượng 5-10kg, bên ngoài có nhãn mác ghi đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, tên gọi bằng tiếng Anh, tiếng Thái và cả tiếng nước ngoài ở những vùng có nhiều người nước ngoài sử dụng gạo Thái.
Thu hoạch lúa tại Thái Lan. |
Tại Thái Lan, tất cả các sản phẩm từ hạt thóc đều được sử dụng chế biến thành các sản phẩm có giá trị. Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm chính là gạo trắng, thì các phần khác của gạo cũng được tận dụng sử dụng vào các mục đích khác nhằm tăng thêm giá trị.
Chẳng hạn như trên 90% vỏ trấu được sử dụng làm nhiên liệu cho máy xay lúa và phát điện; 40% cám được dùng để sản xuất thành dầu, 60% còn lại được sử dụng trong sản xuất thức ăn gia súc; 30% tấm thu được trong quá trình chế biến gạo được chế biến thành bột gạo sử dụng để sản xuất pasta, khoai tây chiên và các loại thực phẩm ăn liền cũng như được sử dụng thay thế bột lúa mì; rơm được dùng làm giá để trồng nấm, dùng cho công nghiệp chăn nuôi gia súc, làm nguyên liệu giấy và chất đốt.
Gạo được chế biến thành các loại giấy mỏng có thể ăn được dùng trong bao bì thuốc lá và bao bì bánh kẹo; gạo cũng được sử dụng để chế biến thành các đồ uống có cồn như rượu sake, rượu vang và bia. Trung bình mỗi năm Thái Lan xuất khẩu khoảng 150.000 tấn sản phẩm chế biến từ gạo đạt kim ngạch khoảng 78 triệu USD, tương đương với 0,5 triệu tấn gạo xuất khẩu.
Tại Thái Lan, các cơ chế điều phối kinh doanh lúa gạo tập trung ở khu vực tư nhân. Chính phủ chỉ điều hành thương mại lúa gạo trong từng trường hợp cụ thể và chỉ khi cần thiết. Chính phủ duy trì các kho gạo ở cấp độ thích hợp, để đảm bảo an ninh lương thực và điều tiết giá khi cần thiết.
Nông dân Thái Lan không chỉ được nhận sự hỗ trợ về tín dụng mà còn được nhận hỗ trợ dưới dạng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ vật tư đầu vào như giống, phân bón... và hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra. Riêng đối với kết cấu hạ tầng, từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, Thái Lan đã đầu tư hàng trăm tỉ bath để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản này, nhất là thủy lợi và giao thông nông thôn. Hiện cơ sở hạ tầng của nông thôn Thái Lan vào loại bậc nhất ở Đông Nam Á.
Các điểm thu mua nông sản, kho chứa, bến bãi, cảng chuyên dùng cho xuất khẩu nông sản được quan tâm đầu tư. Các chi phí bốc xếp hàng nông sản xuất khẩu và các chi phí có liên quan ở Thái Lan thấp hơn ở Việt Nam đến hai lần. Các doanh nghiệp Thái Lan luôn duy trì mối quan hệ trực tiếp với Cục Xúc tiến xuất khẩu, Ủy ban Phát triển xuất khẩu, các công ty thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thường tham gia các phái đoàn của Chính phủ Thái Lan đàm phán các hợp đồng dài hạn về xuất khẩu nông sản.