Hạt gạo Việt Nam xuất ngoại

Chủ Nhật, 02/02/2014, 09:22
Cận kề Tết Giáp Ngọ 2014, về miền Tây Nam Bộ, tới đâu chúng tôi cũng nghe nông dân rôm rả bàn chuyện giá nông sản. Bao đời nay là vậy, trước Tết, hễ lúa, cá, trái cây được giá là nông dân Miền Tây “ăn” Tết lớn. Gọi điện hỏi anh Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng là chủ một DN “có số” trong “làng” XK gạo, tôi được anh báo tin vui là ta vừa trúng thầu 500 ngàn tấn từ khách hàng truyền thống Philippines, đưa tổng lượng gạo XK của Việt Nam năm 2013 đạt gần 6,7 triệu tấn...

Một thực tế mà ai cũng có thể thấy là lâu nay, khi nhắc tới ngôi vị “Việt Nam là nước XK gạo hàng đầu thế giới”, ta vẫn quen dựa vào lượng gạo XK hàng năm, còn chất lượng - yếu tố hàng đầu quyết định giá gạo Việt trên thị trường thế giới so với giá gạo nhiều nước, thì đó là một câu chuyện rất khác. Năm 2013, thị trường “ăn gạo” của Việt Nam vẫn là châu Á (gần 59%), tiếp đó là châu Phi (hơn 29%), châu Mỹ (hơn 7%), châu Âu (gần 3,5%)… Chất lượng gạo trắng cao cấp xuất đi chiếm gần 36%, loại trung bình và cấp thấp chiếm hơn 36%, gạo thơm hơn 14%, còn lại là nếp, gạo đồ, gạo lứt,...

Lãnh đạo VFA cho biết việc giá gạo Việt qua mặt giá gạo Thái, thực chất chỉ mang tính tạm thời; chứ nếu tính trung bình cả năm, giá gạo của ta  vẫn không sánh kịp. Thực tế điều này đã xảy ra từ nhiều năm trước. Cụ thể, cách nay 5 năm, gạo 5% tấm của Việt Nam bán ra giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan gần 70 USD/tấn. Năm sau đó, số chênh lệch này là 123 USD/ tấn… Hồi giữa năm 2013, giá XK gạo 5% tấm của Việt Nam là 400 USD/tấn FOB, trong khi đó, gạo cùng lọai của Thái Lan là 540 USD/tấn, của Ấn Độ là 440 USD/tấn.

Chính thực tế này, ngoại tệ do hạt gạo mang về nhiều lúc tỉ lệ với lượng gạo xuất đi. Chẳng hạn năm 2008, Việt Nam xuất 4,7 triệu tấn gạo, trị giá FOB (giao hàng trên phương tiện vận chuyển) 2,9 tỷ USD. Sang năm 2009, lượng gạo xuất vọt lên trên 6 triệu tấn, nhưng thu về chỉ 2,6 tỷ USD.

Trong một hội thảo năm 2013 vừa qua, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết xu hướng người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi gạo chất lượng cao. Vì vậy, theo ông Phong đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Chúng ta không nên chạy theo số lượng nữa, không nên xuất 7 – 8 triệu tấn mỗi năm nữa mà cần chú trọng đến chất lượng nhằm nâng giá trị hạt gạo để nâng cao tính cạnh tranh có xu hướng ngày càng gay gắt, không chỉ với Thái Lan, Ấn Độ mà còn một số nước khác, trong đó có Mỹ, Pakistan.

Các chuyên gia và DN từng đưa ra giải pháp tiên quyết để nâng cao giá trị hạt gạo là phải lai tạo ra bộ giống lúa mang đặc trưng riêng; tiếp đó tổ chức lại sản xuất bằng cách quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất một vài loại giống có kiểm soát. Người đứng đầu VFA cho rằng khâu sau thu hoạch (máy sấy, nhà máy xay xát, lau bóng, đóng bao, kho chứa) đã tạm ổn; việc cần tập trung hiện hay là liên kết, đặt hàng nông dân trồng lúa nữa là được.

Thực chất trong khâu này, lâu nay chúng ta vẫn còn nặng tính hô hào. Trò chuyện với PV Báo CAND, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL (Bộ NN&PTNT) cho biết bấy lâu nay, cộng đồng DN tham gia XK gạo của Việt Nam vẫn có cách làm ngược. Ông kể: “Ở nhiều nước, khi muốn XK gạo và cả những nông sản khác, các DN tiến hành khảo sát, tìm hiểu kỹ thị trường nơi đó thích ăn gạo gì, chất lượng ra sao, số lượng bao nhiêu; xong sẽ về đặt hàng với nhà khoa học, nhà sản xuất làm cho đúng yêu cầu. Còn ở mình, DN đi đấu thầu trúng với số lượng bao nhiêu đó rồi về, đi xuống dân mua thì làm sao có gạo đồng nhất đạt cả chất lượng và số lượng. Khi có vùng nguyên liệu tốt; gắn kết với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay Việt GAP… chắc chắn, chúng ta sẽ đạt hiệu quả cao” – TS Bảnh kỳ vọng.

Gạo tại kho trữ của Công ty CP Gentraco chuẩn bị đưa vào lau bóng, phục vụ xuất khẩu.

Ông Bảnh còn kể rằng những giống lúa nổi tiếng của Thái Lan, Ấn Độ và Mỹ được thị trường thế giới biết hầu hết cũng là giống lúa mùa, giống như giống Tám Thơm, Nàng Thơm Chợ Đào có mùi thơm siêu hạng ở nước ta. Những loại này, mỗi năm một vụ, năng suất chỉ khoảng 2-3 tấn/ha. “Người ta có nhiều là do được DN đặt hàng; nên dù năng suất ít nhưng khi làm ra, nông dân vẫn bán, thu được nhiều tiền, từ đó tạo ra vùng nguyên liệu lớn, sản lượng lớn. Và họ làm theo tiêu chuẩn an toàn nên sẽ có thương hiệu” – ông Bảnh kể. 

Một trong những việc mà VFA lưu ý các thành viên ngay từ đầu Xuân 2014 này là tăng cường quản lý chất lượng gạo nhằm đảm bảo uy tín với khách hàng. VFA cũng sẽ tổ chức hội nghị “mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo” với các bên có liên quan; thực hiện chương trình nghiên cứu, phát triển và cung cấp giống cho các mô hình liên kết, đảm bảo chất lượng với nhu cầu thị trường; chọn các loại giống thích hợp để phát triển, phục hồi và thống nhất chất lượng giống lúa Jasmine 85, thống nhất gọi là Jasmine Việt Nam để xây dựng nhãn hiệu…

Lãnh đạo Phòng An ninh kinh tế Công an TP Cần Thơ cho biết, dù qua xác minh chưa phát hiện có chuyện pha trộn gạo thơm vào gạo thường nhằm tăng lợi nhuận nhưng đơn vị cũng đã tham mưu cho các ngành, các cấp khuyến cáo DN XK gạo nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm việc này bởi nếu thế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, uy tín và thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Ông Lam Sai Ho- Phó Chủ tịch Golden Resources Development International Ltd, Hong Kong, cũng từng bày tỏ quan điểm với Việt Nam: “Khách hàng đòi hỏi chất lượng cao nhưng phải đồng đều, đừng bao giờ pha trộn cho dù là vô tình hay cố ý”.

Để sản xuất và XK gạo phát triển bền vững, hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp lớn. Đó là từ bỏ chiến lược liên tục tăng lượng XK gạo, thay vào đó là chiến lược giảm loại gạo có phẩm cấp thấp, chuyển sang sản xuất loại gạo có phẩm cấp cao hơn, có giá trị XK cao hơn. Thứ hai, phát triển công nghiệp chế biến, để bên cạnh việc XK gạo nguyên liệu còn XK các sản phẩm chế biến từ gạo có GTGT cao hơn. Thứ ba, cần có chiến lược Quốc gia xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thái Bình
.
.
.