Kiến nghị Chính phủ bảo lãnh tín dụng 150.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp du lịch
- Lo không có doanh thu quý 2, doanh nghiệp du lịch tiếp tục kêu cứu
- TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
- Có doanh nghiệp du lịch khách hủy tour tới 80%
Lo ngại người lao động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành mất việc, thu nhập thấp hoặc hoàn toàn mất thu nhập do những biện pháp mà các doanh nghiệp buộc phải thực hiện nhằm ứng phó với dịch bệnh do COVID-19, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch. Trong đó, đáng chú ý, TAB kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị 150.000 tỷ VND cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Lo ngại doanh nghiệp khó vay vốn hỗ trợ tín dụng từ chính phủ
Theo TAB, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế cho biết, năm 2019 ngành du lịch của Việt Nam đã đóng góp 8,8% GDP (536.000 tỷ đồng). Số lượng người lao động đạt 4,9 triệu người, chiếm 9,1% tổng số lao động cả nước. Trong 4 năm gần đây, cứ 4 việc làm mới được tạo ra trong xã hội thì có 1 việc làm là trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.
Một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, nếu tình hình hiện nay còn kéo dài 3 tháng thì 30% doanh nghiệp không trụ được và nếu kéo dài 6 tháng thì số doanh nghiệp không thể trụ được là 50%.
Doanh nghiệp du lịch, lữ hành vừa và nhỏ là đối tượng chính trong đề xuất của TAB |
Trong Quý I năm 2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đóng cửa. Đây là mức đóng cửa doanh nghiệp hàng quý cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã giảm lực lượng lao động và 75% doanh nghiệp sẽ phải giảm số lao động. Đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành, chắc chắn, ảnh hưởng trong Quý 2 năm 2020 còn cao hơn.
Theo kết quả khảo sát 394 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực du lịch, lữ hành do TAB thực hiện mới đây với sự hỗ trợ từ Ban Nghiên cứu triển kinh tế tư nhân và công ty Grant Thornton Vietnam thì 71% doanh nghiệp giảm doanh thu hơn 30% trong Quý 1 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu Quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với Quý 2 năm 2019. 18% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc với tỷ lệ hơn 50%. Hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.
Cũng TAB đã nắm bắt thông tin 90% doanh nghiệp liên quan đến du lịch ở TP Hồ Chí Minh ngừng hoạt động và 70% nhân viên (hơn 20.000 người) phải nghỉ việc không lương. 25 khách sạn và khu nghỉ cao cấp cho biết bị giảm tới 58% sản lượng trong Quý 1 năm 2020 so với Quý 1 năm 2019.
Rất nhiều doanh nghiệp vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ. Lý do là các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn vì lo ngại về khả năng trả nợ của người vay, hoặc vì người vay không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền thu về lớn hơn dòng tiền chi ra.
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần giảm gánh nặng an sinh xã hội
Theo TAB, Chính phủ cần sớm có những hành động hỗ trợ ngành và giảm thiểu việc các doanh nghiệp sa thải do dư thừa lao động và những tác động kinh tế - xã hội do việc doanh nghiệp sa thải lao động. Bên cạnh đó, cần giúp các doanh nghiệp duy trì được hoạt động và có thể phản ứng nhanh khi thị trường bắt đầu được mở trở lại.
Điều này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ. Hiện nay, một số nước chọn du lịch và lữ hành là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động. Singapore đã công bố chính sách tín dụng mà các công ty có thể vay đến 1 triệu S$ với lãi suất 5%, hoàn lại thuế tài sản, chính phủ đóng góp 8% lương của người lao động trong 3 tháng.
Ở Thái Lan, chính phủ công bố hỗ trợ 62% lương hàng ngày của người lao động trong lĩnh vực du lịch, tối đa đến 15.000 bạt mỗi tháng (460 USD).
Với Việt Nam,Chính phủ khó có thể tài trợ tiền mặt để hỗ trợ các doanh nghiệp. Vì vậy, TAB đề xuất Chính phủ xem xét một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỷ VND, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch, nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch và lữ hành.
Theo chương trình này, các doanh nghiệp đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hàng quý cho 2 quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, chuyên nghiệp duy trì hoạt động.
Chia sẻ về các đề xuất nói trên, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký của TAB nhấn mạnh: Các đề xuất này không quá quan trọng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong du lịch vì họ vẫn có thể tìm ra các nguồn vay cho vốn lưu động.
Tuy nhiên, các đề xuất sẽ vô cùng quan trọng đối với các doanh vừa và nhỏ. Nếu Chính phủ chấp thuận đề xuất này thì sẽ cứu được nhiều doanh nghiệp du lịch đang suy thoái, đang phải tạm thời đóng cửa, đang cho nhân viên nghỉ việc hoặc thậm chí có khả năng phá sản, qua đó sẽ giúp giảm nguy cơ thất nghiệp, giải quyết được vấn đề an sinh xã hội.