Kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Thứ Năm, 14/12/2017, 08:56
93% DN được khảo sát cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, nằm ở nhiều văn bản khác nhau, nên rất khó cho DN nắm bắt thông tin và tuân thủ.

Trong báo cáo khảo sát doanh nghiệp (DN) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, 93% DN được khảo sát cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, nằm ở nhiều văn bản khác nhau, nên rất khó cho DN nắm bắt thông tin và tuân thủ; 89% DN cho rằng nhiều quy định không phù hợp thực tế; 82% DN nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt; 81% DN cho rằng thời gian kiểm tra theo quy định quá dài; 72% DN cho biết việc chia sẻ thông tin kết quả giữa các cơ quan là chưa tốt; 68% DN phản ánh thời gian kiểm tra bị kéo dài so với quy định.

Ngoài ra, theo thống kê của VCCI, hiện có khoảng 300 văn bản (bao gồm các văn bản pháp luật và trong một số trường hợp còn có cả các văn bản khác như: Công văn, hướng dẫn, thông báo…) có quy định về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, được soạn thảo, ban hành để thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành.

68% doanh nghiệp phản ánh thời gian kiểm tra bị kéo dài so với quy định. Ảnh minh họa.

Theo VCCI, vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đang được các cấp, các ngành rốt ráo tháo gỡ, tuy nhiên, về tổng thể vẫn tồn tại khá nhiều vấn đề như: Kiểm tra toàn bộ lô hàng; tiền kiểm là chủ yếu; thủ tục, hồ sơ kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý; một loại hàng hóa phải chịu cùng lúc nhiều quy trình quản lý chuyên ngành...

Đơn cử, việc kiểm tra toàn bộ các lô hàng tồn tại trong tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, việc kiểm tra chuyên ngành được thực hiện với 100% lô hàng, không phân biệt thời điểm nhập khẩu (NK), chủ thể NK, model hàng hóa đó đã từng kiểm tra hay chưa. Bất cập này là nguyên nhân cơ bản dẫn tới thời gian giải phóng hàng bị kéo dài, chi phí lớn…

Trước những tồn tại trong công tác quản lý chuyên ngành hiện nay, VCCI đã nêu lên các giải pháp. Theo đó, phương án tốt nhất đối với vấn đề kiểm tra toàn bộ lô hàng là bộ quản lý chuyên ngành chỉ quy định về điều kiện và tiêu chuẩn kiểm tra; thủ tục kiểm tra chuyên ngành sẽ do cơ quan Hải quan thống nhất thực hiện.

Cơ quan Hải quan sẽ sử dụng hệ thống quản lý rủi ro để thực hiện việc kiểm tra. Kết quả kiểm tra đối với một model có giá trị áp dụng cho các lô hàng cùng model NK sau đó. Một phương án khác được VCCI đưa ra là các cơ quan kiểm tra chuyên ngành học tập cơ chế quản lý rủi ro đang được cơ quan Hải quan áp dụng.

Đối với vấn đề tiền kiểm, các bộ cần phân loại hàng hóa để chuyển việc kiểm tra chuyên ngành một số loại hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đồng thời, phương án tốt nhất là các bộ quản lý chuyên ngành chỉ quy định về điều kiện và tiêu chuẩn kiểm tra, thủ tục kiểm tra sẽ do cơ quan Hải quan thống nhất thực hiện. 

Phương án này sẽ không gây ra tình trạng trùng lặp về giấy tờ, hồ sơ; xử lý được tình trạng cùng một hàng hóa bị kiểm tra bởi nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành; tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí…

Phan Đức
.
.
.