Kì vọng vào tương lai hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc

Thứ Năm, 20/12/2018, 14:59
Sáng nay (20-12), tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn xúc tiến kinh tế Việt Nam – Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.


Tới dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bắc Ngao Lý Bảo Đông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cùng nhiều lãnh đạo các ban, ngành, địa phương và đại diện doanh nghiệp hai nước.

Ông Lý Bảo Đông, Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bắc Ngao phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lý Bảo Đông, Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bắc Ngao cho biết, đây là lần đầu tiên Diễn đàn châu Á Bác Ngao tổ chức tại Việt Nam và được kỳ vọng rất cao về kết quả.

Ông Lý Bảo Đông nhấn mạnh, Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được thành lập từ ngày 27-02-2001 với 26 nước thành viên sáng lập trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, với tôn chỉ là xây dựng một diễn đàn kinh tế của châu Á nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế trong khu vực và liên khu vực, giúp các quốc gia cùng nhau phát triển.

Tổng Thư ký Lý Bảo Đông khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế quan trọng và nằm trong số các nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của thế giới. Những năm qua, Việt Nam đã kiên trì mô hình phát triển dựa vào nâng cao năng suất lao động, cải cách và sáng tạo. Công cuộc xây dựng kinh tế đạt được nhiều kết quả, GDP bình quân năm từ 6,8% trở lên, năm nay dự kiến sẽ đạt 7%.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh về những phát triển tích cực trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, những năm gần đây đã chứng kiến những bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc, các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên, hợp tác giữa các bộ, ngành địa phương và giao lưu nhân dân diễn ra sôi động. Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. 

Trong 11 tháng của năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt trên 97 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng 27%. Hàng tuần có hơn 500 chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong dịp này, gần 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo của 11 tỉnh thành Việt Nam, đại diện của nhiều tỉnh thành khác và đông đảo doanh nghiệp hai nước, trong đó có đại diện của gần 200 doanh nghiệp Trung Quốc đã được mời và tham dự. Đặc biệt diễn đàn lần này còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như thương mại, logistics, cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, tài chính, nông nghiệp… “Đây là minh chứng sinh động cho thấy địa phương và doanh nghiệp hai bên rất quan tâm và kì vọng vào tương lai hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam Trung Quốc”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhận định.

Tính lũy kế đến hết tháng 11-2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 2.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13 tỷ USD, đứng thứ 7/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại, du lịch hàng đầu của Việt Nam. Trong khi Việt Nam cũng là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bắc Ngao Lý Bảo Đông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm.

“Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh, ổn định, được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.

Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc 13 năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam đồng thời là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam về các mặt hàng máy tính, linh kiện, cao su thiên nhiên than và gạo, cùng đó, là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

Việt Nam là một thị trường “dễ tính” với Trung Quốc và thị trường Trung Quốc cũng “dễ tính” với Việt Nam. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thâm hụt thương mại của Việt Nam - Trung Quốc lớn, ông Vũ Tiến Lộc nhận định và cho biết, Việt Nam đang chủ trương nâng cấp dòng đầu tư thế hệ mới vào Việt Nam, trong đó hoan nghênh việc đầu tư của Trung Quốc có chất lượng cao hơn vào các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế số, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao...

Cao Trung
.
.
.