Không hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ theo kiểu đưa tiền phát chẩn

Chủ Nhật, 16/04/2017, 09:44
Đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, Dự thảo luật không bao cấp, không hỗ trợ tràn lan, không đưa tiền cho DN theo kiểu phát chẩn.

Trước những ý kiến trái chiều về Dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) về bất cập của Dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, Dự thảo luật không bao cấp, không hỗ trợ tràn lan, không đưa tiền cho DN theo kiểu phát chẩn.

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng doanh nghiệp (Cục Phát  triển  doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT), đơn vị soạn thảo luật khẳng định, Dự thảo Luật không vi phạm các cam kết quốc tế và VCCI cũng đã có văn bản khẳng định điều này.

“Luật không hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ tất cả DN nói chung, không bao cấp, không đưa tiền cho DN, không làm cho DN ỷ lại, nhỏ mãi không chịu lớn”, ông Khương nói.

Một số ý kiến cho rằng việc hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu. Trước vấn đề này, Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, trên cơ sở giả định về mức giảm đối với DN vừa là 1%, DN nhỏ là 2% và DN siêu nhỏ là 3% so với mức thuế suất thu nhập DN hiện hành, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1.920 tỷ đồng (giảm thu từ khối các DN vừa khoảng 103 tỷ đồng, DN nhỏ khoảng 1.314 tỷ đồng và DN siêu nhỏ khoảng 502 tỷ đồng).

Tuy nhiên, từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, mức giảm thu này có thể được coi là một mức chi phí hợp lý để nuôi dưỡng các DNNVV, nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DN và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập DN trong dài hạn.

Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV không hỗ trợ tràn lan DN nhỏ theo kiểu bao cấp, phát chẩn. Ảnh minh hoạ internet

Theo khảo sát của các tổ chức hiệp hội về khó khăn của DN thì các vấn đề lớn nhất mà DN đang gặp phải là tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. 

Trên thực tế DNNVV thường khó tiếp cận về vốn vay từ các ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; tài sản đảm bảo ít, phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu, dễ bị rủi ro.

Vì vậy theo ông Khương, Luật Hỗ trợ DNNVV là luật khung, đưa ra các nguyên tắc để hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, bổ sung quy định DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV để tư vấn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của DN.

Đối với việc tiếp cận vốn từ ngân hàng, dự thảo Luật quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế lãi suất vay, thời gian vay, điều kiện và quy trình, thủ tục vay đơn giản, phù hợp với đặc điểm, quy mô của DN, đa dạng hoá các hình thức cấp tín dụng phù hợp với DNNVV.

Về ý kiến Dự thảo Luật này đè lên 7 Luật khác nên không khả thi, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quán triệt, Luật không đụng chạm 3 luật cơ bản (Luật đất đai, Luật ngân sách nhà nước và Luật thuế). 

Quy định về thuế  sẽ tổng hợp sửa đổi ở Luật thuế. Trong hồ sơ Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã đánh giá sự liên quan đến các luật khác nhau để khi thực hiện không có xung đột, 1 luật sửa nhiều luật.

Về nguồn lực hỗ trợ, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN khẳng định không có chuyện lấy ngân sách để hỗ trợ đều cho cả 500.000 DN trên cả nước, với số tiền khoảng 10 triệu đồng/DN. 

“Chúng tôi chọn 3 nhóm DN (hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN tham gia chuỗi liên kết ngành và chuỗi giá trị, Quỹ phát triển DNNVV) và các DN tiềm năng để hỗ trợ, tránh câu chuyện bốc thuốc bổ cho người mới ốm dậy. Chúng tôi không hỗ trợ tất cả 500.000 DN hiện có bởi nếu làm vậy thì thành phát chẩn”, bà Thủy nói.

Về tên gọi của Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT khẳng định, thông lệ quốc tế không nước nào gọi Luật bảo vệ DNNVV nên Ban soạn thảo chọn tên gọi Luật hỗ trợ DNNVV. Trong kỳ họp tới, Ban soạn thảo trình 2 phương án tên gọi là Hỗ trợ DNNVV và  Phát triển DNNVV để phù hợp với các nước khác.

Trả lời câu hỏi về việc thực thi Luật sau khi ban hành, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng khâu thực thi pháp luật của Việt Nam chưa tốt nên còn câu chuyện hành xử của công chức khi hỗ trợ DN. Trong quá trình thực thi Luật, với các nghị định hướng dẫn cụ thể sẽ hạn chế tối đa điểm yếu này.

L. Hiệp
.
.
.