Hội nghị Thượng đỉnh EU:

Gian nan bài toán phục hồi hậu COVID-19

Thứ Năm, 10/12/2020, 06:38
Ngày 10/12, Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm và cũng là hội nghị quan trọng nhất của Liên minh châu Âu (EU) chính thức khai mạc.


Trong hai ngày diễn ra hội nghị, lãnh đạo 27 nước thành viên sẽ thảo luận và đưa ra quyết sách về một loạt “hồ sơ nóng” của khối. Giới chuyên gia cho rằng, hội nghị lần này thách thức EU trong việc tìm kiếm tiếng nói chung, đặc biệt là về kế hoạch ngân sách 2021 và gói phục hồi kinh tế trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thách thức chồng thách thức

“Lục địa già” những ngày cuối năm không đơn thuần là chỉ đối phó với những thách thức có tính thời vụ như việc đóng/mở cửa biên giới hay phân phối thuốc/dịch vụ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm, các quyết sách về một loạt vấn đề lớn có tính bền vững liên quan đến đối ngoại, an ninh, kinh tế hay môi trường cũng sẽ được đưa lên “bàn cân” kỹ càng.

Thượng đỉnh EU cuối cùng của năm liệu sẽ tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề ngân sách và phục hồi hậu COVID-19? Nguồn: EU

Theo Euronews, chương trình nghị sự của hội nghị lần này sẽ tập trung vào việc đưa ra kế hoạch tổng thể về quá trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công dân các nước, về cơ chế phối hợp, phân bổ vaccine cũng như cơ chế phối hợp xét nghiệm nhanh và lộ trình gỡ bỏ một cách đồng bộ các biện pháp hạn chế tại tất cả các nước. Trong lĩnh vực an ninh, EU sẽ đề ra những chính sách mới chống lại chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan, cụ thể là về các đề xuất được ba nước Pháp-Đức-Áo bàn thảo cách đây không lâu sau khi diễn ra các vụ khủng bố tại Pháp và Áo, cùng các liên đới của vấn nạn di cư.

Về kinh tế, các nước EU sẽ bàn về liên minh ngân hàng và liên minh thị trường vốn. Cùng với đó, một hội nghị thượng đỉnh về đồng euro sẽ được tiến hành song song trong ngày 11-12. Về vấn đề môi trường, mục tiêu mới về cắt giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2030 sẽ được đề ra. Đặc biệt, về chính sách đối ngoại, lãnh đạo các nước thành viên sẽ bàn đến mối quan hệ chiến lược mới giữa châu Âu và Mỹ giai đoạn ông Joe Biden nhậm chức tân Tổng thống.

Thêm vào đó, các lãnh đạo EU sẽ đưa ra quan điểm rõ ràng về các vướng mắc trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài suốt nhiều tháng qua, liên quan đến các tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên EU như Hy Lạp và Cyprus ở phía Đông Địa Trung Hải, cũng như việc can dự vào các điểm nóng như tại Nagorno-Karabakh hay vấn đề Lybia.

Và nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung

Giới quan sát chính trị thế giới nhận định, các quyết sách của EU về đối ngoại thường đạt được sự đồng thuận lớn và nhanh chóng giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, các vấn đề nội khối thì dường như luôn thường trực những khác biệt nhất định, như vấn đề người tị nạn hay khí thải ra môi trường. Và lần này cũng không phải ngoại lệ khi Hungary và Ba Lan liên tục phủ quyết đề xuất của khối về kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ euro.

Cụ thể, hai nước này phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền EU. Theo Warsaw và Budapest, nếu chấp nhận, nó sẽ dẫn đến hợp pháp hóa việc áp dụng các "tiêu chuẩn kép" đối với các nước thành viên, nhấn mạnh rằnh đề xuất không phù hợp với kết luận của Hội đồng châu Âu đưa hồi tháng 7 vừa qua. Khi đó, các nhà lãnh đạo khối đã nhất trí với gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ cho cả khối dưới các hình thức trợ cấp hoặc cho vay nhằm tháo gỡ những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

The Guardian ngày 9/12 đưa tin, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác của EU để quyết định ngân sách của khối và quỹ phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

"Có lẽ cần một hội nghị thượng đỉnh khác... có thể cần đàm phán nhiều tháng hơn và cần một ngân sách tạm thời. Không có kịch bản nào bị loại trừ vào thời điểm hiện tại”, ông Mateusz Morawiecki nêu rõ. Đồng tình với quan điểm của Ba Lan, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas đưa ra tuyên bố, nước này vẫn sẵn lòng đối thoại thêm, song sẽ không có thỏa thuận nào nếu vẫn duy trì việc gắn ngân sách và gói phục hồi kinh tế với tiêu chí tuân thủ nguyên tắc pháp quyền của EU.

Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên và Nghị viện châu Âu, đồng nghĩa rằng hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này.

Euronews dẫn lời Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cảnh báo, nếu từ nay đến tháng 1/2021 các nước Ba Lan và Hungary không chấp nhận nguyên tắc do Ủy ban châu Âu đề ra thì, châu Âu sẽ phân bổ nguồn tiền từ gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro mà không có nước nước này. Giới phân tích đánh giá, nếu điều này diễn ra thì Ba Lan và Hungary sẽ phải hứng chịu các tổn thất tài chính khổng lồ lên tới 180 tỷ euro trong những năm tới.

Trước bế tắc hiện nay, nhiều lãnh đạo EU, trong đó có Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya đã kêu gọi Ba Lan và Hungary hành xử có trách nhiệm đối với các quỹ cứu trợ của EU. Theo ông, động thái này cũng thể hiện trách nhiệm của hai nước đối với chính người dân và các doanh nghiệp của mình, vốn đang rất cần tiền cứu trợ do tác động của đại dịch COVID-19.

Linh Đan (TH)
.
.
.