Hội nghị Thượng đỉnh EU đứng trước nguy cơ kết thúc không thỏa thuận

Chủ Nhật, 19/07/2020, 20:24
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có thể không đạt được thỏa thuận về kế hoạch phục hồi nội khối hậu COVID-19, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đã kéo dài đến ngày thứ 3 liên tiếp nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.


Đức và Pháp, hai nước chủ chốt trong mái nhà chung EU, đang tìm kiếm một thỏa thuận phục hồi kinh tế nội khối lên đến 1,8 nghìn tỷ Euro để giải cứu các nền kinh tế trong khối đang đối mặt với đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II do đại dịch COVID-19 gây ra.

Sau hai ngày đàm phán căng thẳng, theo Reuters, một nhóm các quốc gia dẫn đầu bởi Hà Lan đã bày tỏ quan điểm không sẵn sàng ủng hộ các yêu cầu này. Đây là những quốc gia đề cao chủ trương tiết kiệm chi tiêu, trong đó có cả Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Ngọn lửa quyết tâm dường như đang lụi dần đối với lãnh đạo Đức và Pháp. Ảnh: TG

"Có rất nhiều thiện chí, nhưng cũng có nhiều quan điểm. Tôi sẽ nỗ lực hết sức, nhưng rất có thể sẽ không có kết quả nào cả", Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ tại Brussels trước khi bắt đầu ngày đàm phán thứ 3, Reuters ngày 19/7 đưa tin.

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc đàm phán kéo dài đến nửa đêm 18/7, với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rời đi sớm. Theo đó, đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ Euro đã không nhận được sự đồng tình tuyệt đối của các nước thành viên. 

Trước đó, theo kế hoạch ban đầu, hội nghị thượng đỉnh EU lần này diễn ra trong hai ngày 17 và 18/7 để thảo luận về kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 và một ngân sách dài hạn mới của khối. 

Hội nghị Thượng đỉnh EU kéo dài hơn dự kiến vì nhiều bất đồng. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh EU lần này phải đối mặt với những khó khăn trong việc thống nhất quy mô kỹ hồi phục kinh tế, tỉ lệ các khoản trợ cấp, cũng như bất đồng trong một số cơ chế luật được đề xuất.

Dự kiến, Thủ tướng Merkel sẽ cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất mới nhằm phá vỡ thế bế tắc sau khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và một số quốc gia khác quyết liệt ngăn chặn kế hoạch hồi phục kinh tế này.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kiriakos Mitsotakis, quốc gia chỉ vừa mới hồi phục sau cuộc khủng hoảng nợ kéo dài một thập kỷ, bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo EU sẽ vượt qua bất đồng và nhất trí về gói kích thích kinh tế chung nhằm khởi động tăng trưởng trong khối này.

"Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có và chúng ta đơn giản không thể để khối bị chia rẽ hoặc suy yếu", Ông Mitsotakis nhấn mạnh.

An Nhiên
.
.
.