Gói phục hồi kinh tế phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh EU

Thứ Bảy, 18/07/2020, 08:18
Ngày 17/7, tại Brussels, Bỉ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) với sự tham dự của các lãnh đạo 27 nước thành viên EU. Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Hội nghị lần này diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/7, được kỳ vọng sẽ có tiếng nói chung thống nhất về khoản ngân sách mới của khối giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro, trong bối cảnh các nước Bắc Âu và Tây Âu vẫn còn bất đồng với Nam Âu xung quanh ngân sách của khối và gói hỗ trợ.

Bài toán thử thách sự đoàn kết

Đại dịch COVID-19 đã đẩy các quốc gia ở Lục địa già vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, khiến tất cả các nước EU đều chịu thiệt hại kinh tế nặng nề. Đức – đầu tàu kinh tế của châu Âu – được dự đoán sẽ tăng trưởng âm trong năm nay, trong khi một số nước khác như Italy, Tây Ban Nha, Pháp sẽ tăng trưởng âm đến 10%.

Các nhà lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh tại Brussels. Ảnh: AP

Từ khi COVID-19 bùng phát, EU cũng như các nước thành viên đã phải tung ra hàng nghìn tỷ euro cứu trợ khẩn cấp. Nhưng, với viễn cảnh đại dịch còn đang hết sức phức tạp, thậm chí có thể bùng phát trở lại trong 1 đến 2 tháng tới và kéo dài đến năm 2021, châu Âu vẫn cần phải bơm thêm tiền để vực dậy các nền kinh tế.

Vì thế, Thượng đỉnh EU lần này, với nội dung là thảo luận về gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai của các nền kinh tế châu Âu. Nếu không nhanh chóng thông qua được gói hồi phục này thì nền kinh tế nhiều nước thành viên EU sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ, các tập đoàn, doanh nghiệp mũi nhọn của châu Âu trong một số ngành chiến lược có nguy cơ bị thâu tóm, rủi ro chảy máu chất xám có thể diễn ra khi nhiều lao động chất lượng cao thất nghiệp hoặc bị lôi kéo sang các công ty nước ngoài.

Đó là về mặt kinh tế, quan trọng hơn là gói cứu trợ 750 tỷ euro còn là một bài toán thử thách sự đoàn kết trong nội bộ EU, xem khối này có thực sự đoàn kết để xây dựng một tương lai chung hay không. Nhiều nhà phân tích còn đánh giá, đây mới là bài toán hóc búa nhất với EU bởi trong đại dịch COVID-19 vừa rồi, EU đã bị rạn nứt nghiêm trọng.

Nhiều nước tuyên bố, nếu trong thời điểm lịch sử có tính quyết định đến tương lai của khối như hiện nay mà EU vẫn không thể đưa ra được một giải pháp tương trợ thì điều đó có nghĩa là khối này chỉ thích hợp tồn tại khi tất cả các nước đều yên ổn còn khi gặp khó khăn thì rạn nứt. Hay nói theo cách khác, nếu sau đại dịch này mà EU không thống nhất được thì khối này không có lí do để tồn tại.

Khoản phục hồi kinh tế 750 tỷ euro và ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 là hai vấn đề kinh tế lớn nhất mà EU phải giải quyết trong nửa năm 2020. Tuy nhiên, cấp bách nhất vẫn là gói 750 tỷ euro và vào thời điểm này, các bất đồng lớn giữa các nước thành viên EU vẫn còn rất lớn và chưa được giải quyết xong. Trong khi Đức và Pháp hoàn toàn ủng hộ thì một số nước Bắc Âu lại phản đối. Cụ thể, nhóm 4 nước gồm Hà Lan, Austria, Đan Mạch, Thuỵ Điển, vẫn chưa hài lòng với cơ chế phân bổ gói 750 tỷ euro này.

Bởi vì, trong 750 tỷ euro đó chỉ có 250 tỷ euro dưới dạng cho vay lãi suất thấp, số tiền còn lại là dưới dạng trợ cấp, tức gần như là cho không các nước. Nhóm phản đối trên, đặc biệt là Hà Lan cho rằng, phần trợ cấp này là quá lớn và nhiều nước Nam Âu (như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp…) sẽ đặc biệt được hưởng lợi nên cần phải điều chỉnh lại, giảm bớt phần trợ cấp, tăng thêm phần vay trả nợ.

Ngoài ra, các nước này cũng yêu cầu việc phân bổ nguồn tiền phải đi kèm với nghĩa vụ giải trình minh bạch, tức phải nói rõ xem dùng nguồn tiền đó làm gì, cũng như thực hiện một số cải cách. Điều này lại bị các nước Nam Âu phản đối vì một số nước xem yêu cầu đó là một sự xúc phạm. Cuối cùng, đó là các bất đồng về việc gắn sự phân bổ tiền phục hồi kinh tế với nghĩa vụ đảm bảo các nguyên tắc về nhà nước pháp quyền. Điều kiện này được xem là nhắm vào các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary và cũng bị các nước này phản đối rất mạnh.

Và những sự kỳ vọng

Hội nghị Thượng đỉnh lần này được đánh giá là một trong những hội nghị quan trọng nhất với EU trong nhiều thập niên qua, vì thời điểm này đang được các nhà lãnh đạo của EU đánh giá là giai đoạn mà châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức lớn nhất kể từ khi khối này thành lập. Phát biểu trước khi lên đường tới dự Hội nghị, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho rằng, điều quan trọng là 27 nước thành viên cần phải thể hiện tinh thần đoàn kết vì chỉ một nước bị ảnh hưởng sẽ tác động đến tất cả các nước.

“Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để đạt được đồng thuận về ngân sách EU cũng như Quỹ phục hồi. Tôi nghĩ cơ hội thảo luận trực tiếp sẽ giúp các bên phá vỡ thế bế tắc, tìm kiếm sự đồng thuận và hướng đến sự thỏa hiệp”, ông nói. Thủ tướng Đức Angela Merkel, tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp về quỹ phục hồi châu Âu, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha  Pedro Sanchez nhấn mạnh “sẽ làm mọi thứ” vì quỹ phục hồi châu Âu.

Trong bối cảnh hiện nay, các cụm từ đoàn kết hay thỏa hiệp được nhắc đến nhiều nhất như một phép thử của EU giữa những rạn nứt nội bộ. Các nước cũng kỳ vọng vào sự dẫn dắt của nước Chủ tịch EU là Đức với nhiều kinh nghiệm sẽ giúp khối vượt qua khó khăn hiện nay.

Theo giới quan sát, tại châu Âu, kịch bản tốt nhất đương nhiên là việc 27 nước EU đạt được sự đồng thuận, nhưng vì khả năng này không quá cao nên kịch bản khả thi hơn là tại Thượng đỉnh này các nước sẽ thống nhất được một lộ trình khác, để thông qua gói hồi phục này trong thời gian nhanh nhất, có thể là tại một hội nghị sau.

Tuy vậy, việc nước Đức đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của EU vào thời điểm này là một thuận lợi rất lớn cho EU vì với vai trò và vị thế của mình, nước Đức có thể thúc đẩy mạnh mẽ các hồ sơ lớn của EU, mà ưu tiên lớn nhất được chính Thủ tướng Angela Merkel đặt ra là sớm thông qua gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro, đồng thời vẫn giữ cho châu Âu thống nhất và đoàn kết lâu dài sau đại dịch này.

Ngoài ra, với việc các nền kinh tế đầu tàu EU như Đức hay Tây Ban Nha tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ và nỗ lực thúc đẩy quỹ phục hồi có ý nghĩa quan trọng, tạo hi vọng các nước có thể đạt được đồng thuận, mặc dù khó khăn, tại hội nghị lần này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.