Giảm lãi suất, “gỡ” cơ chế để “bơm” vốn cho doanh nghiệp

Thứ Sáu, 05/06/2020, 07:59
Trong nỗ lực mang vốn vào nền kinh tế, giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng là tự cứu mình, ngành ngân hàng đã liên tục tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp để lắng nghe các phản hồi từ DN, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn.


Số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy: Sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, đến 25-5, tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả công ty tài chính, NH nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạttrên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.

NH Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150 .000 khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, thời gian qua NHNN vẫn nhận được một số kiến nghị, phản ánh về việc tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

Nhiều doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất nhiều hơn.

Trước tình hình đó, NHNN đã tổ chức khảo sát thực tế trên địa bàn Hà Nội, làm việc trực tiếp với một số chi nhánh NH thương mại để nắm bắt tình hình triển khai, các khó khăn vướng mắc để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các NH. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để từng trường hợp DN gặp vướng mắc...

Tại các hội nghị kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp, một trong những kiến nghị nổi bật của DN đó là mong được giảm lãi suất nhiều hơn nữa. Ông Bùi Gia Nên- Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh Bình Phước cho rằng trên thế giới hiện nay bước vào giai đoạn đầu của giảm phát mong phía NH có những chủ trương kịp thời tạo chính sách huy động lãi suất ở ngưỡng thấp để cấp mới cho DN với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện nay.

Cùng chung quan điểm, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề xuất NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, do đó cần được hỗ trợ phân loại DN, các gói vay, trong đó tập trung ưu tiên các ngành trọng yếu như: Du lịch, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tạo điều kiện ổn định.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch HH dệt may TP Hồ Chí Minh kiến nghị NHNN điều chỉnh tỷ giá giảm hỗ trợ xuất khẩu; giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2%, trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng, vì doanh thu của DN giảm rất mạnh. Đồng thời, hỗ trợ tỷ lệ kí quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động, điều chỉnh thời gian trả nợ...

Còn ông Thái Bá Cần - PTGĐ Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng chia sẻ mong muốn được cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất. “Chúng tôi muốn thủ tục đơn giản, nhanh gọn để tiếp cận được ưu đãi. Thứ hai, việc giảm lãi suất hiện nay chủ yếu là các NH thương mại chia sẻ lợi nhuận giúp đỡ cho DN, điều chúng tôi mong muốn NHNN cần đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ cho các DN”, ông Cần đề nghị.

Đến từ Hiệp hội DNNVV tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Văn Kháng cho biết hiện tại trong tỉnh, các DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn do sản xuất, lưu thông hàng hóa xã hội bị ngưng trệ. Dự báo đến cuối năm nay, khoảng 40% số DN thật sự khó khăn, thua lỗ, DN bị mất đà phát triển đến hết năm 2021 và sau một năm nữa mới khôi phục được.

“Như vậy việc trả nợ cho NH và vay vốn tiếp cho sản xuất kinh doanh cũng như xin giãn nợ là cấp bách, cần thiết” - ông Lê Văn Kháng nhấn mạnh. Ngoài ra, có một vấn đề là nhiều DN lớn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của ngành NH, nhưng các DNNVV, đặc biệt là DN siêu nhỏ lại khó tiếp cận gói hỗ trợ do các vướng mắc trong báo cáo tài chính cũng như hạn mức vốn của những DN này còn hạn chế.

Với thực tế này, ông Nguyễn Văn Thời- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên kiến nghị NHNN có thể đưa ra các hình thức bảo lãnh tín dụng cho các DN có khả năng vốn chủ sở hữu ít trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải. NH theo đó có thể đánh giá theo hình thức bảo lãnh để các DN này có thể tiếp cận…  

Giải đáp những kiến nghị của DN cũng như nhằm tiếp tục hỗ trợ DN phục vụ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành NH cam kết đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế và hỗ trợ tất cả các ngành nghề vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh. Để tăng khả năng tiếp cận vốn của cộng đồng DN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các NH thương mại tập trung đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cũng như có giải pháp hiệu quả kéo giảm lãi suất cho vay ở mức phù hợp để hỗ trợ DN và thị trường.

 Chia sẻ thêm với DN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh nguồn hỗ trợ từ phía NH là từ sự huy động của chính các NHTM hiện nay: Huy động từ gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán,.. còn gói lãi suất từ 1% - 2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận thậm chí là tiền lương của nhân viên NH. “Đối với các NHTM cổ phần nhà nước với vai trò chủ lực, NHNN cũng chỉ đạo giảm lợi nhuận, phê duyệt lại kế hoạch kinh doanh đến cuối năm. Đó là sự chia sẻ, đồng hành từ các NH, và cũng cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ phía hai bên.

Do đó, đây cũng là dịp cơ cấu tổng thể nền kinh tế đối với hệ thống các DN và chính các NH, trong đó hệ thống NH cũng phải cơ cấu lại trong tình hình hiện nay, phải chấp nhận một cuộc chơi cạnh tranh, thể hiện sức mạnh, thương hiệu của mình. NH phải làm tốt để giữ niềm tin của người dân và có quan hệ tốt với các DN. Về phía các DN cũng cần cơ cấu lại, để các TCTD nhìn thấy tiềm năng phát triển mới dám cho vay”, ông Tú cho biết.

Hà An
.
.
.