Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành

Thứ Tư, 13/05/2020, 08:49
Chiều 12/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã ký quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành. Như vậy, sau lời hứa với Thủ tướng và các doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, NHNN đã chính thức “hành động”.


Cơ cấu lại nợ không giới hạn ngành nghề, quy mô DN

Trong thông báo của mình, NHNN cho biết sẽ điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 13/5/2020 bao gồm:

Thứ nhất là về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế.

Thứ 2, giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Thứ 3, giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Thứ 4, đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND và TCTCVM đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, phản hồi ý kiến liên quan đến ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất, đảm bảo tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục kinh tế sau dịch; điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế, không để xảy ra bất ổn.

"NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm" - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Cùng với việc giảm lãi suất điều hành, NHNN khẳng định sẽ quyết liệt chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay một cách bền vững.

Đối với kiến nghị liên quan đến đối tượng, phạm vi, thủ tục, điều kiện vay vốn, quy trình nội bộ và tổ chức thực hiện của các ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho biết việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng không giới hạn ngành nghề, loại hình (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) đều được áp dụng, không giới hạn về quy mô DN, đồng tiền vay (VNĐ và USD), không phân biệt nhóm nợ của khách hàng tại thời điểm thực hiện cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi.

Bên cạnh đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nêu rõ chính sách hỗ trợ DN được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với khách hàng vay vốn bằng chính nguồn lực của ngành Ngân hàng. Chương trình tín dụng này được các TCTD triển khai từ nguồn huy động tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế, do vậy yêu cầu đặt ra cho các TCTD là phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.

Doanh nghiệp hãy “chia sẻ” với ngân hàng

Thực tế, trong khó khăn hiện nay, không phải chỉ với DN, áp lực từ phía ngân hàng cũng rất lớn. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.

“Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”, ông Tùng cho biết.

Kêu gọi DN chia sẻ cùng ngân hàng, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank  cho rằng các ngân hàng thương mại (NHTM) rất cần sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ các DN và sự hỗ trợ bằng các giải pháp, chính sách kịp thời của Chính phủ và các ngành, các cấp.

Theo ông Thọ, DN cần xây dựng và triển khai các phương án, dự án thực sự khả thi, tập trung các nguồn lực thực hiện có kết quả, cân đối được nguồn trả nợ. DN cần phối hợp chặt chẽ với NHTM, minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn, thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách đối với cả DN và ngân hàng. Đây là cơ sở để DN phục hồi và phát triển, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tín dụng, phục hồi phát triển nền kinh tế. 

Song song với đó, DN nên tận dụng cơ hội tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ và minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn, chủ động phát triển, đủ khả năng thích ứng với biến động thị trường.

“NHTM là DN, cần bảo đảm kinh doanh chất lượng, hiệu quả, an toàn. Việc hỗ trợ giảm lãi suất và phí dịch vụ của các NHTM bản chất là chia sẻ của NHTM từ nguồn vốn tự huy động, cắt giảm chi phí và giảm lợi nhuận của ngân hàng. Do đó có những giới hạn nhất định và rất cần sự đồng hành, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ, sự nỗ lực của cộng đồng DN, các đối tác để cùng khắc phục khó khăn, phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Thọ nói.

Hà An
.
.
.