Doanh nghiệp khổ vì truy thu thuế nhanh, hoàn thuế chậm

Thứ Hai, 12/12/2016, 09:30
Áp thuế sai, hoàn thuế GTGT chậm hiện là những vấn đề mà doanh nghiệp (DN) đang rất bức xúc với cơ quan thuế, hải quan.


Ông Vương Nhật Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện lạnh và Thương mại Hòa Bình (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, công ty nhập khẩu và phân phối mặt hàng điện lạnh, cây nước nóng lạnh. Ngày 18-7, DN nhận được quyết định kiểm tra toàn bộ mặt hàng điện lạnh của DN đã nhập hơn 5 năm qua.

“Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”. Ảnh minh họa: CTV.
Sở dĩ có việc kiểm tra này là do trước đó Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 6061 ngày 29-6-2016 cho việc hướng dẫn áp mã đối với mặt hàng cây nước nóng lạnh. Mặt hàng này, DN nhập khẩu và áp mã trong suốt 5 năm qua. Nay, căn cứ công văn này, cơ quan Hải quan thay đổi áp mã hàng hóa, dẫn đến thuế suất tăng và DN bị truy thu thuế của 5 năm trước và khoản nộp chậm, phạt vi phạm hành chính gần 3,6 tỷ đồng. Nếu DN không nộp thì sẽ bị cưỡng chế toàn bộ hàng hóa và không được thông quan.

“Nếu nói DN vi phạm thì DN chỉ vi phạm sau ngày 29-6, ngày công bố văn bản mới, chứ không thể áp dụng thời điểm trước đó. Qua sự việc trên cho thấy, việc kiểm tra sau thông quan mặc dù chưa có cơ sở rõ ràng trong việc áp mã mặt hàng nhập khẩu nhưng cơ quan Hải quan lại áp đặt việc truy thu thuế phi lý. Cơ quan Hải quan cho biết, căn cứ theo quy định mới thì DN sẽ được truy hoàn nhưng thực tế việc truy hoàn rất nhiêu khê. Hiện DN đã gửi đơn đến bộ phận kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, yêu cầu nơi nào đã truy thu thì phải truy hoàn và xác nhận thời điểm truy hoàn thật chính xác. Nếu để DN tự truy hoàn thì có thể 5 năm sau DN vẫn chưa thể nhận được số tiền truy hoàn”, ông Bình cho biết.

Nhiều doanh nghiệp muốn nêu khó khăn của doanh nghiệp mình với cơ quan thuế, hải quan.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Minh Diệu (quận 7) cũng bức xúc: Công ty sản xuất đế giày từ năm 1998 đến nay, với nguyên liệu nhập khẩu. Rắc rối phát sinh khi trung tâm kiểm định hàng hóa của hải quan đưa ra kết luận kiểm định mặt hàng đế giày khác với kết luận nhiều năm qua của Quatest 3, khiến DN có mức thuế 0% nay phải nộp thuế 3%.

DN khiếu nại, Trung tâm Kiểm định hải quan thừa nhận khâu kiểm định có sai sót nên đã thay đổi kết quả kiểm định, nhưng không thay đổi phân loại hàng hóa nên vẫn truy thu thuế DN nhiều năm qua. “Việc truy thu thuế chỉ tính từ thời điểm có văn bản mới, đề nghị cơ quan chức năng ngừng truy thu và kiểm tra sau thông quan để DN yên tâm sản xuất”, đại diện công ty cho biết.

Với bức xúc của DN, ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục Hải quan giải thích, việc truy hoàn cần kiểm tra kỹ để tránh sai sót khi sử dụng ngân sách nhà nước, nên cán bộ kiểm tra thận trọng. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan sẽ xem xét các hồ sơ để thông báo lại cho DN.

Ông Vũ Ngọc Anh cũng cho biết, có DN hỏi có cách nào để giảm bớt sai sót về mã số? Trong trường hợp DN không biết thì cơ quan hải quan phải hướng dẫn để tránh sai sót. Hiện, cơ quan Hải quan đang muốn thống nhất mã số các mặt hàng, tạo sự thuận lợi cho hoạt động thông quan.

Phần lớn bức xúc của DN đều cho rằng, các cơ quan thuế, Hải quan đã làm khó DN, không tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Tuy nhiên, về phía cơ quan thuế, Hải quan cũng cho rằng có không ít DN vì thiếu hiểu biết, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật đã làm khó cơ quan thực thi.

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ thép Khương Mai cho rằng, thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thời gian qua rất nhiêu khê. Khi công ty xin hoàn thuế, mặc dù các cơ quan quản lý có kết nối mạng để nắm dữ liệu nhưng vẫn bắt công ty xuống xin giấy xác nhận về số lượng hàng xuất tại cửa khẩu. Công ty cũng đã có hồ sơ hoàn thuế 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn. Một bộ hồ sơ đơn giản cũng mất 3 tháng mới hoàn thuế được. Chính vì điều này mà các DN thép rất sợ xuất khẩu.

Riêng Công ty thép Khương Mai xuất khẩu khoảng 70 tỉ đồng trên hàng trăm tỉ đồng doanh thu tổng mỗi năm và chỉ đề nghị hoàn thuế gần 7 tỉ đồng. Cơ quan thuế thông báo thanh tra trong vòng 30 ngày nhưng kéo dài tới 90 ngày. Tuy nhiên, ông Khương thừa nhận, trong hồ sơ hoàn thuế của công ty có những hóa đơn của các bạn hàng đã ngừng kinh doanh, phá sản nhưng không đóng mã số thuế, không hoàn tất các thủ tục...

Liên quan đến trường hợp Công ty thép Khương Mai, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phúc đáp: “Ngành thuế quản lý theo cơ chế rủi ro và máy tính đã lọc Công ty thép Khương Mai nằm trong đối tượng rủi ro cao. Qua kiểm tra thì đến 70% hóa đơn đầu vào là của công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Do vậy, Cục Thuế TP đã thanh tra và cho ra kết quả là công ty sử dụng hóa đơn của 13 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, qua xác minh phát hiện liên 1, liên 2 hóa đơn không giống nhau. Một hợp đồng mua thép khác của Khương Mai có dấu hiệu bất thường là khi công ty vừa chuyển khoản thanh toán cho bên bán thì ngay sau đó người nhà của ông Khương đã đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền đó ra. Khi cơ quan thuế yêu cầu kiểm tra kho hàng thì Công ty thép Khương Mai từ chối kiểm tra. Do vậy, cơ quan thuế đành tạm dừng thanh tra và đang chuyển cho cơ quan chức năng điều tra”.

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: “Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất cho DN, nhưng nếu DN vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.

T.Hà - T.Giang
.
.
.